Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan, Luckchai Kittipol, dự báo xuất khẩu năm tới sẽ ở mức khoảng 2,8 triệu tấn.
Theo ông, khách hàng có thể sẽ chuyển sang những nguồn cung cấp lớn khác trong khu vực mà có giá cạnh tranh hơn, như Indonexia và Malaysia – hai nước sản xuất lớn thứ 2 và 3 thế giới sau Thái Lan.
Thái Lan - nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn cao su từ đầu năm tới nay, tăng nhẹ so với 1,5 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Năm 2009, Thái Lan xuất khẩu 2,7 triệu tấn cao su.
Thuế mới sẽ áp dụng từ ngày 1/10/2010. Theo ông Luckchai, với thuế này, giá cao su Thái Lan sẽ tăng khoảng 3% so với mức khoảng 3,3 – 3,5 USD/kg hiện nay. Mục tiêu của việc tăng thuế là nhằm khuyến khích ngành chế biến cao su và đẩy tăng tiêu thụ nội địa.
Cao su SMR20 của Malaysia và SIR20 của Indonexia hiện đang ở mức 3,15 USD/kg.
Theo quy chế mới, thuế sẽ là 3 Baht (0,095 USD)/kg nếu giá ở mức khoảng 80 – 100 Baht/kg, tức là như hiện nay. Nếu giá giảm xuống dưới mức đó, thuế sẽ là 2 Baht, còn trên đó sẽ là 5 Baht.
Mức thuế này tăng đáng kể so với mức hiện nay là 1,4 Baht/kg. Tiền thuế sẽ được bổ xung vào một quỹ có vai trò can thiệp vào thị trường cao su và hỗ trợ người trồng nếu giá trong nước giảm mạnh.
Mức giá tham khảo để tính thuế sẽ được Chính phủ công bố 2 tháng một lần. Do vậy các nhà xuất khẩu phải cẩn trọng khi đưa ra giá chào bán.
Giá cao su physical và kỳ hạn sẽ vững
Các thương gia nhận định xuất khẩu cao su Thái Lan trong quý cuối cùng của năm nay sẽ giảm mạnh bởi hầu hết khách hàng đã đặt mua trước khi bước sang tháng 10 để tránh bị đánh thuế.
Các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện đang lưỡng lự không muốn bán hàng ra và không chắc chắn nên chào giá bao nhiêu để bù lại mức thuế tăng.
Ông Vorathep Wongsasuthikul thuộc Hiệp hội Mủ cao su Thái Lan cho biết: “Thuế sẽ làm giảm ít nhất 10% xuất khẩu cao su Thái Lan hàng tháng trong quý cuối năm nay, mà đó là mùa xuất khẩu cao điểm”.
Các thương gia cho biết xuất khẩu giảm (thường trung bình khoảng 200.000 tấn mỗi tháng) sẽ làm khan hiếm nguồn cung trên thị trường thế giới. Điều đó có thể đẩy giá cao su tăng lên, hoặc ít nhất cũng duy trì ở mức như hiện nay trong giai doạn cuối năm, đồng thời sẽ hậu thuẫn giá cao su physical cũng như cao su kỳ hạn tại Sở giao dịch hàng hoá Tokyo – nơi giá cao su được dùng tham khảo cho thị trường toàn cầu.
Giá tham chiếu cao su RSS3 của Thái Lan ngày 24/8 là 3,3 USD/kg, thấp hơn mức kỷlục cao 4,10 USD hồi tháng 4, khi hạn hán nghiêm trọng làm giảm sản lượng mủ.
Giá tham chiếu cao su kỳ hạn 6 tháng tại Tokyo đã lập kỷ lục cao của 21 tháng là 338,5 Yên (3,98 USD)/kg hồi tháng 4 do cung khan. Sáng 26/8 giá ở mức 293,2 yen/kg.
Ông Luckchai cho hay Chính phủ sẽ hỗ trợ đầu tư cho ngành sản xuất ô tô và lốp xe trong nước để khích lệ việc sử dụng cao su thiên nhiên, giảm xuất khẩu cao su nguyên liệu.
Sản lượng cao su Thái Lan dự báo sẽ tăng lên 3,3 triệu tấn trong năm 2011, so với khoảng 3 triệu tấn của năm nay, bởi loạt cây trồng mới từ năm 2004 (khoảng 160.000 hécta) sẽ cho thu hoạch vào năm tới.
Theo nguồn tin của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, nước này đặt mục tiêu tăng trồng cao su thêm khoảng 128.000 hécta bắt đầu từ năm tới, sẽ cho thu hoạch vào năm 2017, khi đó sẽ nâng sản lượng lên khoảng 3,3 triệu tấn.
($1=85,11 Yen)
($1=31,46 Baht)