Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục được giá?
05 | 01 | 2011
Theo số liệu từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kết thúc năm 2010, cả nước xuất khẩu được 773 nghìn tấn cao su, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD, chỉ tăng 5,7% về lượng nhưng kim ngạch tăng tới 89,1%.

Quan sát đường đi của giá cao su trong năm qua, ông Trịnh Văn Tiến, Chuyên gia phân tích của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, năm 2010 là năm được giá đối với mặt hàng này. Ngay trong quý 1/2010, giá mủ cao su thiên nhiên đã đạt 60 triệu đồng/tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2009. Sau đó, giá của hàng hoá này liên tục tăng mạnh, có thời điểm giá xuất khẩu đạt ngưỡng trên 5.000 USD/tấn (khoảng trên 100 triệu/tấn).

Giá tăng cao là do lượng cung cao su tự nhiên tăng không theo kịp tốc độ tăng về cầu. Tổng lượng cung của 9 nước thuộc Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) (chiếm 92% lượng cung cao su tự nhiên toàn cầu) trong năm chỉ đạt 9,422 triệu tấn, cao hơn mức 8,57 triệu tấn năm 2009. Trong khi đó, tổng lượng tiêu dùng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2010 ở mức 10,2 triệu tấn.

Thêm nữa, đầu quý 2/2010, mưa lớn và kéo dài tại Thái Lan và Indonesia đã khiến thị trường lo ngại về  khan hiếm nguồn cung và đẩy giá cao su tự nhiên tăng cao. Thậm chí, các thương nhân Indonesia còn yêu cầu bên mua trả tiền mặt tương đương với 20% giá trị lô hàng.

Những động thái này đã tác động đến tâm lý của các nhà nhập khẩu, hiện tượng đầu cơ đã xuất hiện và tác động đẩy giá cao su tự nhiên của thế giới lên cao. Đến cuối quý 3, sản lượng khai thác cao su tự nhiên của Ấn Độ và Trung Quốc cũng bị sụt giảm do mưa lớn diễn ra trong tháng 10.

Trong khi đó, sản lượng sản xuất ô tô của Trung Quốc và Ấn Độ lại liên tục tăng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao su tự nhiên để sản xuất lốp ô tô cũng tăng theo. Cả 2 quốc gia này đều tăng nhập khẩu cao su tự nhiên để đáp ứng nhu cầu sản xuất và bổ sung vào nguồn dự trữ.

Bà Nguyễn Trang Nhung, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AGROMONITOR) còn cho biết thêm: những thông tin tốt về tốc độ hồi phục kinh tế, đặc biệt từ thị trường Mỹ đã khiến ngành công nghiệp ô tô, sản xuất lốp xe tăng trưởng tốt, nhu cầu đối với cao su vì vậy cũng tăng lên.

Giá cao su tăng còn do giá các loại hàng hóa khác đều tăng. Ngoài ra, thị trường ngoại hối không ổn định cũng đã tác động đến giá của hàng hoá này.

Về triển vọng xuất khẩu cao su trong năm 2011, bà Trang Nhung cho là, giá cao su sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do được hỗ trợ bởi các yếu tố: cung cao su thế giới tiếp tục hạn hẹp, ít nhất là từ tháng 2 đến tháng 5, do đây là giai đoạn giáp vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, nhu cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh khi các nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc.

Đồng USD vẫn trên đà suy yếu so với đồng Yên Nhật, Euro, đồng Baht Thái Lan, đồng Rigit Malaysia và Rupiah Indonesia cũng sẽ khiến các nhà đầu cơ hàng hóa tiếp tục đẩy giá cao su tăng trong thời gian tới.

Còn theo phân tích của ông Tiến, năm 2011 thị trường cao su thế giới vẫn ở trạng thái cung không đáp ứng đủ cầu. Mặc dù một số nước nhập khẩu cao su chính như Ấn Độ, Trung Quốc đang áp dụng một số biện pháp nhằm giảm bớt lượng cao su nhập khẩu. Song do lượng cung toàn cầu vẫn còn thiếu hụt khá lớn so với nhu cầu nên giá cao su thế giới chắc chắn vẫn duy trì ở mức cao, như vậy, xuất khẩu cao su của Việt Nam chắc chắn vẫn gặp thuận lợi.

Tuy nhiên, ông Tiến e ngại giá cao su tăng cao có thể khiến người nông dân mở rộng diện tích cao su tiểu điền một cách tự phát, vượt quá quy hoạch, gây bất ổn trong tương lai.

Còn diện tích cao su kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn (Hòa Bình, Tây Ninh, Đồng Phú) đang ở “điểm võng” về sản lượng, nếu giá cao su tăng cao có thể tác động tiêu cực đến việc khai thác cực đoan ở những khu vực có diện tích sắp thu hoạch hoặc tận dụng ở những diện tích già cỗi. Những điều này sẽ tác động đến sức khỏe của cây cao su và giảm sản lượng khai thác ở các năm tiếp theo.

Từ nỗi lo này, ông Tiến khuyến cáo, trong bối cảnh được giá và thuận lợi về xuất khẩu, nếu ngành cao su không tính đến việc hình thành “quỹ bình ổn” để dự trữ cao su và bù đắp cho người sản xuất khi giá xuống thấp, thì rất có thể lại lặp lại hiện tượng chặt cao su để chuyển sang các cây trồng khác khi mặt hàng này rớt giá.



Theo Vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường