Liên kết dọc-ngang đẩy giá sữa
Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng Ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý Cạnh tranh, báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế (gồm thị trường sữa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, ngân hàng, bảo hiểm, xăng dầu, viễn thông và hàng không) là báo cáo cạnh tranh đầu tiên tại Việt Nam về đánh giá cạnh tranh để từ đó các cơ quan quản lý rà soát chính sách pháp luật liên quan điều chỉnh cho phù hợp.
Báo cáo về thực trạng cạnh tranh trên thị trường sữa bột cho thấy thực tế giá sữa bột tại thị trường Việt Nam không vận động theo xu thế của thị trường thế giới hay của giá sữa nguyên liệu nhập khẩu. Số liệu so sánh giá cho thấy một hiện tượng đáng lưu ý là trong khi giá thế giới có xu hướng giảm mạnh thì giá sữa bột tại thị trường trong nước lại không giảm, trái lại có thời điểm còn tăng cao.
Khá nhiều luồng dư luận đặt dấu hỏi về khả năng liên kết độc quyền, bắt tay giữa các hãng sữa nhằm thao túng thị trường sữa bột Việt Nam. “Với cấu trúc thị trường tập trung cao như thị trường sữa Việt Nam, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tồn tại các thỏa thuận nhằm thao túng thị trường để thu lợi bất chính”- Cục Quản lý Cạnh tranh nhận định.
Theo báo cáo trên, có dấu hiệu các doanh nghiệp đã liên kết theo chiều ngang để ấn định giá sữa và liên kết theo chiều dọc để đẩy giá sản phẩm. Hiện hầu hết các hãng sữa nước ngoài đều ủy quyền cho một doanh nghiệp trong nước nhập khẩu độc quyền sản phẩm của họ vào Việt Nam. Việc này làm giảm cơ hội tham gia nhập khẩu và phân phối của các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường. Việc ủy quyền này cũng khiến số lượng doanh nghiệp có thể nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa bột nguyên hộp nhập khẩu bị hạn chế một cách đáng kể.
Trong một số trường hợp, sự liên kết theo chiều dọc giữa các khâu phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu được thiết lập nhằm hợp lý hóa chi phí để đẩy giá lên cao. Ví dụ, thông qua liên kết dọc, nhà xuất khẩu nước ngoài bán sản phẩm cho nhà nhập khẩu tại Việt Nam thông qua một nhà xuất khẩu trung gian ở nước thứ 3. Trong trường hợp này, giá sữa ghi trên hóa đơn nhập khẩu của nhà nhập khẩu Việt Nam đội lên rất nhiều.
Một hình thức lách luật tăng giá được doanh nghiệp áp dụng là nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu có thể liên kết ghi hóa đơn nhập khẩu với giá thấp hơn giá thực tế nhằm tránh thuế nhập khẩu. “Trong cả hai trường hợp trên thì giá sữa đều bị đẩy lên cao và người tiêu dùng là người phải gánh chịu các chi phí đội lên”- Cục Quản lý Cạnh tranh nhận định.
|
Lần đầu tiên, cơ quan quản lý cạnh tranh công bố cách thức doanh nghiệp dùng để đẩy giá sữa (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nói xấu đối thủ
Cuộc điều tra cũng cho thấy, thị trường sữa hiện đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Quảng cáo sai sự thật; nói xấu đối thủ…. Có đối thủ cạnh tranh lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, khai thác triệt để các điểm yếu hay sai sót của doanh nghiệp để nói xấu, hạ thấp uy tín của doanh nghiệp trước người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có trường hợp một hãng sữa bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng một diễn đàn dành cho các bà mẹ có con nhỏ để nói xấu, hậu quả là trong suốt một thời gian dài, sản phẩm của hãng này bị mất uy tín, sản lượng bán và thị phần bị giảm rõ rệt, thiệt hại rất lớn. “Có trường hợp doanh nghiệp bị đối thủ cạnh tranh in các thông tin nói xấu và phổ biến ở nhiều nơi công cộng như trường học, bệnh viện làm doanh nghiệp bị giảm sút uy tín”- Báo cáo cho biết.
Do tính chất cạnh tranh quyết liệt nên nhiều doanh nghiệp đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: quảng cáo sai sự thật, nói xấu, hạ thấp chất lượng sản phẩm của đối thủ...TS Lê Đăng Doanh cho rằng Cục Quản lý Cạnh tranh cần hoạt động chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn. Hiện, nhiều mặt hàng nhà nước có chính sách bình ổn giá chưa thấy kết quả đến đâu, giá vẫn lên ầm ầm dù có chương trình trợ giá... |