Càng vào những tháng cuối năm, giá TACN càng tăng nhanh và mạnh hơn so với trước đó khiến người chăn nuôi mệt nhoài đuổi theo.
12 tháng tăng 14 lần
Cùng thời điểm này năm ngoái, trại gà của ông Nguyễn Văn Ngọc (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã đầy ắp với số lượng lên đến 100.000 con nhưng đến nay đang bỏ trống. “Giá thức ăn tăng nhanh quá trong khi đầu ra bấp bênh nên tôi chưa dám thả” - ông Ngọc cho biết.
Theo thống kê từ một số đại lý bán lẻ TACN tại Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay các công ty đã tăng giá 14 lần. Anh Sơn, một đại lý cám, cho biết ngày 22-12 nhân viên kinh doanh của một công ty nhắn cho biết đến cuối tuần này sẽ tăng giá tiếp đợt mới. “Chỉ từ ngày 15-9 đến nay đã có chín lần các công ty tăng giá bán. Mức tăng tổng cộng cao nhất gần 2.000 đồng/kg với thức ăn đậm đặc và 1.500 đồng/kg với cám hỗn hợp” - anh Sơn cho hay.
Do giá TACN tăng, giá thành nuôi cũng tăng tương ứng. Hiện giá thành nuôi gà công nghiệp đã ở mức 27.000 đồng/kg so với 22.000 đồng/kg của năm 2009. Đáng chú ý là trong 11 tháng của năm 2010, chỉ có hai tháng giá bán gà trung bình vượt quá con số này (tháng 4: 27.500 đồng/kg và tháng 11: 33.600 đồng/kg), còn lại đều thấp hơn. Có những lúc giá gà công nghiệp xuống chỉ còn 13.000 đồng/kg (tháng 2-2010) khiến nhiều người nuôi phải bỏ nghề vì không còn vốn để tái đầu tư. “Chăn nuôi bây giờ rủi ro như đánh bạc. Mình bỏ tiền ra đầu tư nhưng chưa biết lúc bán sản phẩm được giá bao nhiêu” - ông Lê Thanh Tùng, một chủ trại chăn nuôi tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết.
Theo ông Lê Thanh Phương - giám đốc chăn nuôi Công ty Emivest, do giá thức ăn tăng nhanh trong khi giá bán gà thất thường nên trong năm 2010 chỉ có các đơn vị chủ động được con giống, thức ăn và đầu ra mới có lãi, với người dân thì phần lớn bị lỗ. “Do thiếu thông tin, người dân cứ thấy giá gà ngoài thị trường lên cao lại đổ xô mua gà con về nuôi. Đến khi bán thì nguồn cung tăng mạnh khiến giá giảm thê thảm nên đa số người nuôi nhỏ bị lỗ vốn” - ông Phương cho hay.
Tương tự, người nuôi heo cũng trải qua một năm đầy sóng gió vì dịch tai xanh, giá bán thấp thê thảm. Đến cuối năm giá heo dần hồi phục thì cũng là lúc TACN vào mùa tăng giá. Ông Trịnh Văn Thức, chủ trại heo với tổng số 2.000 con tại Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết hầu hết trại heo năm nay đều bị lỗ vốn. Nếu như những tháng đầu năm dịch heo tai xanh kéo giá bán heo hơi có lúc xuống tới 25.000 đồng/kg khiến người dân thua lỗ nặng thì những tháng cuối năm giá heo hơi tăng không kịp với giá cám. Hiện giá bán heo hơi tại Đồng Nai ở mức 35.000-36.000 đồng/kg nhưng giá thành nuôi đã ở mức 36.000 đồng/kg. “Người nuôi tốt thì may ra hòa vốn, còn lại vẫn đang bị lỗ” - ông Thức nói.
|
Diễn biến giá thức ăn chăn nuôi năm 2010 Đồ họa: V.Cường - Ảnh: T.Mạnh |
Đầu vào tăng 30-50%
Theo các đại lý, các đợt tăng giá TACN trên thị trường đều do các công ty lớn như CP, Proconco, Cargill... dẫn dắt, các công ty khác sẽ tăng lên sau đó. Tuy nhiên, ông Chamnan Wangakkrangkul - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam - cho rằng không phải như vậy, giá bán lẻ cám phụ thuộc giá nguyên liệu nhập khẩu, giá đầu vào tăng nên đầu ra cũng phải tăng tương ứng.
Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội TACN, thừa nhận hiện giá bán TACN đã lên rất cao so với khả năng của người chăn nuôi và so với giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty sản xuất TACN buộc phải tăng giá bán lẻ vì giá nguyên liệu đầu vào tăng 30-50% so với đầu năm. “Khác với mọi năm loại này tăng loại kia giảm, năm nay tất cả loại nguyên liệu đều tăng giá” - ông Bình cho biết.
Cụ thể, so với đầu năm giá bắp tăng 2.000 đồng/kg, từ 4.500 đồng lên 6.500 đồng/kg, giá khô dầu đậu nành tăng từ 7.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, khoai mì tăng từ 3.700 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg, cám gạo từ 4.200 đồng/kg lên 6.200 đồng/kg, lúa mì từ 4.000 đồng/kg lên 6.600 đồng/kg...
Ông Bình cho biết thêm do phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá TACN còn bị tác động bởi tỉ giá giữa USD và VND tăng thời gian qua. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành TACN, những công ty dẫn đầu thị trường (đa số là các công ty nước ngoài) được lợi lớn từ những đợt tăng giá này. Theo vị chuyên gia này, giá đầu vào tăng thì giá đầu ra tăng tương ứng là dễ hiểu. Tuy nhiên, các công ty lớn có tiềm lực tài chính luôn có chính sách tạm trữ nguyên liệu dài hạn. Họ được lợi lớn từ việc mua nguyên liệu giá rẻ từ đầu năm và bán cao vào cuối năm.
Các công ty này còn tung tiền ra gom hết nông sản trong nước để kéo giá lên cao khiến người chăn nuôi không thể mua về tự trộn mà phải mua cám của họ. Cũng với chiêu thức này, các công ty nhỏ nội địa vốn phải mua nguyên liệu từng tháng càng bị thu hẹp sản xuất. “Rõ ràng, ngành sản xuất TACN đang có sự tái cơ cấu theo hướng các công ty lớn ngày càng lớn hơn và các công ty nhỏ phải thu hẹp sản xuất” - vị chuyên gia này cho biết.
Nhiều nông dân bỏ ao Gần một tuần nay, người nuôi cá tra tại ĐBSCL lại thấp thỏm như ngồi trên lửa bởi giá thức ăn nuôi thủy sản vừa tăng thêm 300 đồng/kg. Như vậy trong vòng hai tháng nay giá thức ăn đã lần lượt nhảy bốn lần và tăng thêm 1.100 đồng/kg. Giá thức ăn cao khiến chi phí nuôi bị đội lên, nhiều hộ quyết định ngưng đầu tư nuôi cá. Ông Nguyễn Văn Tính - nông dân nuôi cá tra ở Hòa Lạc, Phú Tân (An Giang) - cho biết giá thức ăn loại 26-28 độ đạm hiện từ 9.160-10.400 đồng/kg. “Với giá này thì giá thành nuôi đã 21.000 đồng/kg, trong khi giá cá 22.000 đồng nhưng không biết có ổn định lâu dài hay không. Thấy khó có lãi nên ai nấy không dám thả nuôi lại” - ông Tính nói. Theo ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, sau thời gian thua lỗ kéo dài nông dân nuôi cá tra hiện đang rất khó khăn về vốn đầu tư. Trong khi ngân hàng hạn chế cho vay thì giá thức ăn tăng cao đang là gánh nặng họ khó kham nổi. “Giá thức ăn cứ theo chiều hướng tăng tiếp tục, còn giá cá trồi sụt bất thường nên khi thu hoạch xong là dân bỏ nghề, bỏ ao” - ông Bình cho hay. |