Bình ổn giá: Thành công
Trước và sau tết, nhiều người cho rằng với lực có hạn, hàng bình ổn giá chỉ trụ được đến trước tết là “hết hơi”, vì lượng người mua sắm tại các siêu thị Co.opMart đạt doanh thu tới 6 - 7 tỷ đồng/ngày, nhưng trên thực tế, với hơn 30 siêu thị, trung tâm mua bán hơn 130 điểm bán hàng bình ổn giá, nguồn hàng thực phẩm bình ổn giá tới tận sau tết vẫn dồi dào, khiến các bà nội trợ không phải lo đi chợ mua gom đồ cất tủ lạnh.
Chẳng hạn, tại các siêu thị Co.opMart, giá thịt ba rọi bình ổn vẫn giữ được giá ở mức 64.000 đồng/kg trong khi giá thị trường là 90.000 đồng/kg. Trứng vịt 25.500 đồng/chục, giá thị trường là 31.000 đồng/chục. Đường trắng 18.000 đồng/kg, giá thị trường là 25.000 đồng/kg. Sau khi rộ lên thông tin trứng vịt, gà bán ngoài thị trường tự do có lòng đỏ không giống trứng thật, người mua đua nhau vào siêu thị mua cho chắc ăn. Từ giá cả nêu trên, có thể thấy với chương trình bình ổn giá của thành phố đã đạt kết quả rất khả quan. Giá 8 mặt hàng bình ổn đã giúp cho thị trường thành phố ổn định. Người dân hy vọng với chương trình bình ổn giá trong năm qua đã đạt kết quả tốt, ngành công thương sau tết có thể đánh giá thực lực của mình để triển khai bình ổn giá tập trung cho các khu dân cư nghèo, các khu công nghiệp… sau khi đã thành công trong dịp tết tại các siêu thị.
Tuy vậy, cũng có một thực tế là hiện tại một số mặt hàng thuộc nhóm bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng bình ổn giá… cao hơn so với chợ lẻ. Được biết, hiện giá dầu ăn Cooking Tường An tại siêu thị Co.opMart là 37.500 đồng/lít; xúc xích Vissan loại 70g có giá 5.500 đồng/cây… Tuy nhiên, giá tại chợ huyện Nhà Bè, Hồ Thị Kỷ, Trần Nhân Tôn (quận 10), Cây Gõ, Bình Tây (quận 6)… lại thấp hơn từ 500 - 2.000 đồng tùy mặt hàng. Ví dụ như: giá mặt hàng dầu ăn Cooking Tường An ở mức 35.500 - 36.500 đồng/lít; xúc xích Vissan loại 70g/cây có giá 5.200 đồng/cây… Chưa kể các mặt hàng trái cây, thịt… tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM cao hơn chợ lẻ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Chẳng hạn quýt Thái, siêu thị có giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, chợ lẻ ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Thịt gà ta tại chợ lẻ ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, tại siêu thị có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Theo ý kiến của nhiều tiểu thương, nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch giá là do tiền mặt bằng, chi phí trả nhân viên… tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh ở mức cao. “Tôi rất ít mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng lớn là vì giá ở đó luôn cao hơn so với một số mặt hàng tại chợ lẻ. Trừ những mặt hàng thuộc diện bình ổn, có thể giá thấp đôi chút” - chị Lê Thị Ngọc Oanh, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết. Tìm lời giải đáp cho nghịch lý nhiều mặt hàng như dầu ăn, gạo, đường… bị đẩy giá trước tết tại chợ lẻ, nhưng nay “tụt giá”, chúng tôi được tiểu thương giải thích: “Nhiều nhà cung cấp sản phẩm giá rẻ tìm đến tiểu thương chợ lẻ. Cửa hàng tôi chỉ lời trên mỗi sản phẩm từ 500 - 1.000 đồng, nhưng bán số lượng lớn nên khách hàng mua nhiều, có khả năng cạnh tranh được với các siêu thị” - chị Dương Thị Thu Trúc, tiểu thương tại Chợ Lớn (quận 5) chia sẻ.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về giá trên cho thấy sự tham gia bình ổn của các siêu thị, trung tâm thương mại khiến giới tiểu thương muốn cạnh tranh, bán được hàng phải chịu giảm chi phí về mặt bằng, nhân lực. Họ cũng không còn muốn tăng, muốn làm sốt thị trường như trước được nữa. Đó cũng là điều đáng quan tâm của những người kinh doanh bình ổn giá để rút kinh nghiệm cho thời gian tới.
Chợ lẻ: Tăng giá
Tại các chợ bán lẻ, giá thủy sản các loại như mực ống, cá chép, cá tai tượng, điêu hồng, cá lóc đồng, tôm, các loại sò, nghêu… tiếp tục bị làm giá, tăng từ 30%-40% tùy theo mức độ tươi ngon và kích cỡ của các loại cá. Các bà bán hàng cho rằng thị trường thủy sản sau tết bao giờ cũng được giới tiêu dùng ưa chuộng sau nhiều ngày các gia đình ăn tết toàn thịt. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân khách quan khiến lượng hàng tăng giá do ngư dân ăn tết dài ngày, chưa ra khơi đánh bắt thủy sản, mà chủ yếu lấy từ trong kho ra.
Tương tự như giá các loại thủy sản biển, thủy sản nước ngọt cũng đua nhanh về giá. Cá lóc đồng, loại cá được dân nhậu ưa thích có giá cao ngất: 150.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg dùng để nướng vỉ cho các nhà hàng leo lên 290.000 - 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau tết, các nhà hàng, khách sạn thu mua nhiều nên hàng cũng khan hiếm. Theo giới kinh doanh, phải sau tết khoảng 15 ngày thị trường mới dần ổn định như cũ.
Hiện tại, lượng hàng rau, củ, quả… về các chợ đầu mối tương đối ổn định. Tuy vậy, hàng phân phối về các chợ lẻ trên địa bàn TPHCM vẫn chịu mức giá cao hơn từ 30-40%, hoặc có khi gấp đôi, ba lần. Chẳng hạn, giá dưa leo ngày 13-2 tại chợ Bến Thành (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Cây Gõ (quận 6)… dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg; cà chua từ 9.000 - 15.000 đồng/kg, thịt heo đùi từ 70.000 - 75.000 đồng/kg… Lý giải nguyên nhân tăng giá các mặt hàng sau tết, nhiều tiểu thương cho rằng chi phí vận chuyển tăng cao, kết hợp với nhiều mặt hàng ăn uống, dịch vụ tăng giá nên tiểu thương đành “té nước theo mưa”.
Chị Nguyễn Thị Huê, trú tại chợ Cầu Muối (quận 1) chuyên kinh doanh rau, củ tươi chia sẻ: “Khoảng 2-3 giờ sáng hàng ngày, tôi đi lấy hàng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sau đó về bỏ lại cho một số tiểu thương và bán. Thường chúng tôi sẽ mua hàng trực tiếp từ bạn hàng hoặc qua khâu trung gian. Nhẩm tính, chi phí sẽ bị đội lên khoảng 20%”. “Hơn nữa, nhiều người mua hàng kỹ tính chọn lựa nhiều lần, nếu trừ chi phí hư hỏng, giập nát… giá đến tay người tiêu dùng chắc chắn sẽ cao ngất ngưởng” - anh Lê Văn Lâm, tài xế xe tải vận chuyển rau, củ bỏ mối cho tiểu thương tại khu vực Chợ Lớn (quận 5), tâm sự.
Sự thành công trong bình ổn giá trước và sau Tết Tân Mão đã góp phần làm đời sống xã hội yên tâm hơn, đặc biệt là làm tốt chức năng kiềm giữ giá các mặt hàng thiết yếu, không để cho thị trường tự do tung hoành giá như những năm trước. Hy vọng trong năm 2011, công tác bình ổn giá trên thị trường không chỉ ở tầm mức thành phố, mà được các quận, huyện rút kinh nghiệm để làm tốt trong đời sống thường ngày.