Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ của Nga có thể không giúp giảm căng thẳng thị trường
30 | 05 | 2011
AGROINFO - Nga, nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 2 thế giới, sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm này có thể cũng không giúp làm giảm thiếu hụt cung lúa mỳ do hạn hán và lũ lụt làm giảm sản lượng mùa vụ tại châu Âu và Mỹ.
Giá lúa mỳ giao dịch tương lai đã tăng vọt 79% trong năm 2010 tại Chicago, thị trường tham chiếu giá lúa mỳ trên thế giới, do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng tiêu cực đến mùa vụ tại Canada, Nga và EU. Lệnh cấm xuất khẩu của Nga vào tháng 8 và hạn ngạch xuất khẩu của Ukraina đã đẩy chi phí lương thực trong gói lương thực theo tính toán của UN bật lên mức cao kỷ lục vào tháng 2 vừa qua.

Theo ông Michael Pitts, giám đốc phụ trách thị trường hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Úc, dù dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng liệu các nước này có thực sự xuất khẩu môt lượng lớn để đủ bù đắp sự sụt giảm tại Mỹ và Châu Âu hay không, vẫn chưa chắc chắn.

Chi phí lương thực tăng, góp phần đẩy cao lạm phát toàn cầu, đẩy ít nhất hơn 20 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tăng lãi suất. Lãi suất cao có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo dự đoán của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,6% trong năm 2012, từ mức 4,2% trong năm 2011.

Nông dân trồng lúa mỳ tại Nga lên kế hoạch tăng sản lượng 10% và dự trữ vượt 6 triệu tấn. Những nhà giao dịch ngũ cốc đã tăng cường hoạt động mua trong vài tuần vừa qua, chở hàng đến các địa điểm tập kết hàng tại càng do dự đoán lệnh cấm sẽ bị dỡ bỏ.

Thời điểm để khôi phục thị trường
Theo ông Dmitry Rylko, giám đốc Viện nghiên cứu thị trường nông sản cho biết, xuất khẩu lúa mỳ của Nga sẽ không trở lại mức cao kỷ lục như trước đây và sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để phục hồi. Những lo ngại về tình hình thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến mùa màng trên toàn thế giới, nghĩa là người ta không nên kỳ vọng một sự sụt giảm giá mạnh như đã từng xảy ra vào thời kỳ khủng hoảng.

Theo IGC, sản lượng lúa mỳ toàn cầu niên vụ 2011 – 2012 dự đoán ở mức 667 triệu tấn, thấp hơn so với mức cầu 669 triệu tấn. Cơ quan này đã điều chỉnh ước đoán từ mức 672 triệu tấn vào tháng 4, giảm mức dự trữ xuống 185 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2008 – 2009.
Dự đoán sản lượng được điều chỉnh xuống do những lo ngại về tình hình thời tiết bất lợi tại một số nước, đặc biệt là tại EU và Mỹ. Những nhà giao dịch ngũ cốc trên thị trường đã kỳ vọng Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trước 2 ngày so với thông báo chính thức.

Theo dự đoán của ông Vijay Iyengar, giám đốc điều hành AgroCorp International Pte tại Singapore, người đã dự đoán chính xác về việc ngô sẽ trở thành hàng hóa nông nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt nhất trong nửa đầu năm, giá sẽ không hạ nhiệt do các nhà giao dịch vẫn hoài nghi về sự trở lại của Nga trên thị trường ngũ cốc.

Những yếu tố bất lợi
Tại Mỹ, nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, khoảng 45% mùa vụ lúa mỳ vụ đông tại nước này đang ở tình trạng xấu hoặc rất xấu, so với mức 44% trong tuần trước đó và 9% so với cùng kỳ năm 2010. Khoảng 54% lúa mỳ vụ xuân đã được gieo, so với tốc độ 89% trong cùng kỳ năm 2010-mức trung bình trong 5 năm qua.

Theo dự đoán của những chuyên gia địa phương, sản lượng lúa mỳ của Pháp, nhà sản xuất lúa mỳ lớn nhất EU, sẽ giảm 12% và sản lượng của Đức giảm 7,2%.

Theo ông Ric Pinca, giám đốc Philippine Association of Flour Millers, mặc dù Nga có thể bổ sung sự thiếu hụt trên thị trường lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi, nguồn cung lúa mỳ chất lượng cao được sử dụng làm bánh mỳ, pasta và mỳ, sẽ vẫn thiếu hụt. Theo USDA, trong lượng cầu 670,5 triệu tấn lúa mỳ niên vụ 2011 – 2012, 124 triệu tấn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và số còn lại được sử dụng làm thực phẩm.

Những người mua châu Á
Những người mua lớn tại châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Philippines có thể sẽ không theo đuổi giao dịch mua lúa mỳ Nga, mà chuyển sang những nhà cung cấp lúa mỳ chất lượng thấp hơn, như Mỹ, Canada và Úc. Philippines hiện là người mua lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.

Tại Canada, mưa lớn cũng làm chậm mùa vụ. Hiện mới có khoảng 53% vụ lúa được gieo, so với tốc độ thông thường 75% trong cùng thời điểm.

Ngược lại, Bộ Nông nghiệp Nga ước tính tổng sản lượng ngũ cốc của nước này có thể đạt 85 – 90 triệu tấn, tăng từ mức 60,9 triệu tấn năm 2010.

Nga sẽ xuất khẩu 12 triệu tấn lúa mỳ trong vòng 1 năm kể từ tháng 7 năm nay đến tháng 6 năm sau, tăng từ mức 4 triệu tấn trong năm hiện tại. Mặc dù vậy, lượng xuất khẩu này vẫn thấp hơn mức 18,6 triệu tấn trong năm 2009 – 2010. Lượng ngô xuất khẩu tăng lên mức 1 triệu tấn, từ mức 250 ngàn tấn; lượng xuất khẩu đại mạch cũng tăng lên mức 800 ngàn tấn, từ mức 300 ngàn tấn.

Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych cho biết ông sẽ dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu do dự đoán sản lượng sẽ tăng 15%. Ukraina, nhà xuất khẩu đại mạch hàng đầu thế giới, đã đặt ra hạn ngạch xuất khẩu cho ngô, lúa mỳ và đại mạch từ tháng 10, sau khi hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ tại nước này.

Giá lúa mỳ giao tháng 7 tăng 0,6%,lên mức 8,1975 USD/giạ trên thị trường Chicago. Trong khi đó, giá ngô tăng 1,7%, lên mức 7,585 USD/giạ, Thị trường Chicago đóng cửa ngày thứ Hai, 30/5 do nghỉ lễ toàn quốc.

Kim Dung
Nguồn: Bloomberg


Báo cáo phân tích thị trường