Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quan hệ và triển vọng USD - vàng năm 2007
13 | 06 | 2007
Mặc dù giá vàng trong thời điểm hiện tại chỉ luẩn quẩn quanh mức 620 USD/ounce đã gây ra không ít sự bối rối cho người trong cuộc nhưng năm 2007 sẽ chứng kiến sự nhập cuộc của rất nhiều yếu tố có lợi để giá vàng thăng hoa thêm một lần nữa, trong đó có việc USD mất giá.
Thế mạnh chuyển từ USD sang Euro

Ngành mậu dịch thế giới đang chứng kiến sự chuyển giao vai trò đồng tiền số một từ USD sang Euro. Mặc dù USD vẫn là loại tiền tệ số một trên đại bộ phận thế giới và trong hầu hết các lĩnh vực mậu dịch nhưng vị trí độc tôn của nó đang bị xói mòn. Khi giá USD ngày càng giảm, ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện qua trung gian của đồng Euro để hạn chế nguy cơ hối đoái.

Một bằng chứng nóng hổi là trong vài tuần trước đây Iran tuyên bố sẽ tiến hành mua sắm các thiết bị phục vụ ngành dầu khí bằng đồng Euro thay vì USD như trước kia. Thêm vào đó, từ nay trở đi chính phủ nước này sẽ hạch toán ngân sách bằng Euro. Mặc dầu hành động của Iran có phần xuất phát từ động cơ chính trị nhưng không thể phủ nhận điều đó thể hiện sự điều chỉnh chính sách thương mại của quốc gia sản xuất dầu mỏ số 3 thế giới này.

Còn mới cách đây vài ngày, Ngân hàng TW các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ chuyển thêm 8% lượng dự trữ ngoại tệ trị giá 24,9 tỷ USD sang Euro. Quyết định của UAE có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong các nước xuất khẩu dầu mỏ giàu có của thế giới Arập.

Ngày 21/12 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ dự báo tốc độ tăng trường hàng năm tính từ tháng 7 tới tháng 9 chỉ đạt 2%, giảm 0,2% so với dự đoán trước đó. Bỏ qua tính bất trắc của ngành dự báo, sự điều chỉnh lần này cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm dần đều do tăng trưởng quý I của năm 2006 còn đạt 5,6%.

Lãi suất USD, thêm một yếu tố bất lợi

Hầu hết sự chỉ trích đối với kinh tế Mỹ đều nhắm vào thị trường nhà đất đã qua một chu kỳ bùng nổ của nước này. Thị trường nhà đất suy thoái khiến dòng vốn đầu tư vào chứng khoán nhà đất giảm, không kích thích được người tiêu dùng thế chấp nhà để vay chi tiêu.

Lãi suất cơ bản của Mỹ không đổi suốt từ tháng 8 đến nay nhưng có thể điều này không thể kéo dài bao lâu nữa. Nếu tình trạng suy thoái kinh tế vẫn cứ dai dẳng Cục dự trữ liên bang sẽ phải tạo ra cú hích đầu tư qua việc cắt giảm lãi suất, ức chế đà mất giá của USD đồng thời với việc Ngân hàng TW châu Âu (ECB) kìm hãm Euro tăng giá bằng cách tăng lãi suất.

Sự đợi chờ ECB nâng lãi suất vừa được tiếp thêm niềm tin khi kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh rất có trọng lượng của kinh tế Đức cho thấy giới doanh nhân đầu đàn của nước này tỏ ra tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của nước Đức và khu vực hơn bất cứ thời điểm nào tính từ 1990.

Vàng hưởng lợi nhờ USD mất giá?

Nhìn vào cơ cấu giao dịch trên thị trường vàng trong bất kỳ ngày nào từ đầu năm đến nay ta thấy giá vàng phụ thuộc rất lớn vào các tiên liệu về giá USD. Về lâu dài, ảnh hưởng của USD với giá vàng sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Nếu USD xuống giá đều đặn, giá vàng sẽ hưởng lợi. Phải chăng 2007 là năm của Vàng?

Rất khó để có thể quả đoán điều này vì USD phụ thuộc rất nhiều vào việc ngân hàng TW các nước Đông Á có tiếp tục dùng kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ để mua các tài sản định giá bằng USD, qua đó khống chế giá USD hay không. Chỉ khi chính sách kiểu này được bãi bỏ thì giá USD mới có thể ổn định ở mức hợp lý và giá vàng mới không nhảy vọt từ kỷ lục này sang kỷ lục khác.

Với những yếu tố làm suy yếu USD kể trên có vẻ như ngân hàng TW các nước Đông Á sẽ phải tránh xa đồng Mỹ kim. Nhưng cách xử sự với USD của các nước Đông Á sẽ xuất phát từ yêu cầu nội tại của từng nền kinh tế thay vì chạy theo xu thế lý thuyết.

Xuất khẩu của các nền kinh tế Đông Á đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ nên việc duy trì nhu cầu của thị trường này thông qua duy trì giá trị của USD là điều vô cùng cần thiết, một chính sách ưu tiên hàng đầu.

Thế nhưng sức mua của người tiêu dùng Mỹ đang chững lại trong khi túi tiền của người châu Âu lại dư dả. Sự đối nghịch sẽ ngày càng sâu sắc tới khi những lợi ích của việc duy trì giá USD cao không thể bù đắp được chi phí khiến khối tài sản chìm khổng lồ tính bằng USD tác động tiêu cực tới nguồn vốn đầu tư.

Khi đó, Ngân hàng TW các nước Đông Á sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các loại ngoại tệ mạnh khác như Euro và Yen. Nhưng nhiều nhà đầu tư sẽ chọn vàng thay vì tiền giấy. Trái bóng đang nằm trong chân các nước Đông Á nhưng ai biết họ sẽ đá nó lăn theo hướng nào? Câu trả lời sẽ sớm hiển hiện trong thời gian tới khi số liệu về mức thâm hụt thương mại của Mỹ đã rõ ràng.



Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường