Trong hơn 2 thập kỷ rồi, mặc dù có nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhưng nông dân sản xuất thường trúng mùa, nhưng giá bán nông sản thường là không trúng, hàng hoá bán cho thương lái quá rẻ, nhiều khi vẫn khó tìm người mua. Lợi tức nông dân ngày càng giảm khi sản lượng ngày càng tăng. Cả nông dân và Nhà nước đều thấy rõ làm tăng sản lượng thì dễ nhưng làm tăng lợi tức thì rất lúng túng. Một trong các nguyên nhân chính là thị trường.
Trong bài này tác giả đề cập đến các tình huống dẫn đến những thất bại và thành công vừa qua của thị trường nông nghiệp Việt Nam, phân tích những điều kiện đáp ứng thị trường, và phương pháp vĩ mô cần áp dụng để tạo thị trường, với thí dụ thành công của Malaysia về dầu cọ; việc triển khai một chương trình nghiên cứu ứng dụng để tìm ra khung chính sách đồng bộ về chiến lược phát triển thị trường, bắt đầu từ xác định các mặt hàng có lợi thế tương đối vùng nhiệt đới, tổ chức nghiên cứu toàn diện về sản xuất, chế biến và bảo quản mặt hàng, chính sách thuế hấp dẫn các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất mặt hàng, tổ chức tìm thị trường và giữ thị trường, cung cấp thông tin thị trường, tổ chức sản xuất qui mô lớn bằng các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoặc trang trại, sửa đổi thêm nữa các luật đầu tư và luật hợp đồng để các nhà đầu tư yên tâm; tầm quan trọng các công tác chuẩn bị hội nhập toàn cầu như đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành, đặc biệt ngành quản lý, kinh doanh nông nghiệp và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn.
Đặt vấn đề
Là một nước có trên 70% dân số sống về nghề nông, chúng ta đã thấy rõ rằng nếu ta không tạo được thị trường trong hoặc ngoài nước - nhất là thị trường quốc nội - nông, ngư dân không thể làm giàu được và do đó nông nghiệp nước nhà không thể tiến xa hơn nữa. Các nước chung quanh ta đã thấy vấn đề trước ta từ lâu, và đang tiếp tục cải tiến phẩm chất và sản lượng nông thuỷ sản của họ. Thậm chí một số nước không làm nông nghiệp, như Singapore hoặc Hồng Kông, đã nhập nguyên liệu nông thủy sản của nước khác về chế biến lại theo tiêu chuẩn cao để tái xuất. Như vậy một quốc gia sản xuất nông thủy sản với khối lượng lớn như Việt Nam phải làm gì để có thị trường ổn định cho nông dân được nhờ? Một chiến lược chắc thắng nào cũng phải bắt đầu từ nguyên lý cơ bản "biết người biết ta". Chúng tôi tin rằng đến giờ này các cấp lãnh đạo đều đã thấy hiện trạng phân phối, xuất khẩu nông sản của nước ta còn quá kém, chưa làm cho nông dân giàu, do đó Đảng đã có NQ26 từ Hội nghị TW7 (Khóa X) hy vọng nông dân sẽ được làm giàu, nông thôn khang trang trong một nền nông nghiệp hiện đại. Mà muốn làm được cho thành công thực sự thì cần phải thực hiện trước tiên một số nghiên cứu ứng dụng những phương pháp/kinh nghiệm thành công của những quốc gia đi trước ta. Trong bài này tôi xin nêu một kinh nghiệm rất thành công của Malaysia và Nhật Bản mà chúng ta có thể vận dụng trong hoàn cảnh Việt Nam.
Phát triển thị trường
Trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt, người ta càng thấy vai trò của việc phát triển thị trường càng trở nên bức thiết. Nông dân chúng ta có thể trồng hầu hết mọi nông sản nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì không có thị trường. Một nông dân cá thể chỉ có thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, nhưng muốn sản xuất hàng hoá thì phải kết hợp nhau lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm, và giá phải cạnh tranh. Việc xác định mặt hàng nào cần sản xuất phải được điều nghiên thị trường một cách khoa học và chu đáo, không thể dựa vào mắt thấy láng giềng bán được rồi mình cũng bắt chước sản xuất theo. Đối với một nước kém phát triển như ta, nông dân còn nghèo, phần lớn các công ty tư nhân chưa phát triển, và phần lớn các công ty quốc doanh lại kém năng động, Nhà nước cần phải có chính sách đồng bộ để tạo thị trường, kể cả việc các nguyên thủ quốc gia đi công du các nước bạn cũng là để mở thị trường như chính sách đồng bộ của Chính phủ Malaysia trong chiến lược đưa cây cọ dầu thành mũi nhọn xuất khẩu.
Một cuộc gặp gỡ tuy đã 43 năm rồi mà vẫn còn một dấu ấn rất sâu trong tâm trí tôi đó là lần tôi tham gia đoàn thanh niên Á châu sang thăm nước Malaysia năm 1968 và vinh dự được Thủ tướng Tungku Abdul Raman tiếp. Thủ tướng Tungku cho chúng tôi biết trong vòng 20 năm sau Malaysia sẽ là nước chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dầu cọ. Nhóm thanh niên chúng tôi rất ngạc nhiên với sự quả quyết đó, nhất là khi chúng tôi không hiểu rõ cây cọ dầu là thứ gì mà được chú ý hơn cây lúa như vậy. Qua buổi nói chuyện, chúng tôi thấy hiện ra cả một chiến thuật mà vị Chỉ huy trưởng Tungku đã phác họa lên:
Tại sao chọn cây cọ dầu làm cây chiến lược? Đó là nguyên liệu cần thiết cho bữa ăn hằng ngày của người nào muốn giữ cho chất cholesterol trong máu không tăng, chắc chắn mọi người - nhất là những người giàu - sẽ là khách hàng thường xuyên. Thứ nữa là cây cọ dầu rất thích hợp điều kiện ẩm ướt quanh năm, mà Malaysia nằm gần ngay xích đạo nên lượng mưa phân bố đều suốt 12 tháng trong năm thật là lý tưởng.
Làm sao cho dân hưởng ứng kế hoạch trồng cọ dầu?
- Trước tiên Chính phủ đầu tư cho ngành nông nghiệp nghiên cứu giống cọ dầu tốt nhất, và nghiên cứu phương pháp canh tác thích hợp nhất cho các vùng đất cọ dầu khác nhau của Malaysia. Những kỹ thuật này được đưa cho ngành khuyến nông để sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân.
- Đồng thời Chính phủ công bố chính sách ưu đãi về thuế: miễn thuế 10 năm đầu cho những ai đầu tư trồng cọ dầu trên đất mới khai phá, và miễn 5 năm đầu cho những trang trại cao su già cỗi chuyển sang trồng cọ dầu.
- Đối với những người dân khai khẩn đất mới để trồng cọ dầu Nhà nước cho vay ưu đãi để họ hăng hái bỏ công sức lập trang trại cọ dầu.
- Đồng thời Nhà nước lập dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (NHTG) để xây dựng những nông trường cọ dầu (dân Malaysia quen gọi FELDA). Vốn NHTG được dùng vào việc kiến thiết mặt bằng, phân lô đất, xây nhà ở cho nông trường viên, xây đường xá giao thông trong nông trường, xây chợ, trạm xá, nhà trẻ, trường học, bưu điện, và nhà máy sơ chế dầu cọ. Người dân được chọn vào FELDA ký nhận nợ để lãnh một cái nhà ở, một lô đất, giống cây và phân bón. Nợ này phải trả trong vòng 20 năm theo qui định của NHTG bắt đầu khi cây cọ có trái và chủ hợp đồng bắt đầu giao cọ dầu cho nhà máy sơ chế.
Làm sao tiêu thụ cọ dầu?
- Chính phủ lập ra Viện Nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm từ dầu cọ, và khuyến khích xây dựng các nhà máy tinh chế dầu cọ xuất khẩu.
- Chính phủ đồng thời cũng lập thêm Cục xúc tiến tiêu thụ dầu cọ đi khắp nơi trên thế giới để giới thiệu các mặt hàng từ dầu cọ. Nhờ vậy mà khách hàng khắp nơi đã đặt mua dầu cọ.
Tôi có nhiều dịp đi Malaysia sau đó và đã thăm nhiều vùng trồng dầu cọ trong các FELDA và trang trại của dân, và được biết rằng dân hợp đồng trong FELDA thường đã trả hết nợ sau 15 năm và họ làm chủ căn nhà và lô đất đã hợp đồng. Và dĩ nhiên ngày nay Malaysia thật sự là bá chủ thế giới về xuất khẩu cọ dầu.
Như thế, các điều kiện do Nhà nước tạo ra như trên đã đóng vai trò quyết định cho sự thành công của Malaysia trong lãnh vực phát triển cọ dầu.
Thông Tin Thị trường
Nông dân và các nhà sản xuất của chúng ta thường không nắm đủ các thông tin thị trường, vì nhiều lý do khách quan và một lý do chủ quan dễ nhận ra nhất: ít chịu bỏ công và bỏ của để điều nghiên thị trường, mà chỉ bắt chước láng giềng là chính (trồng dừa, cà phê, tiêu, điều, bạch đàn, cây ăn trái, nấm rơm...; nuôi tôm, cua...). Và trồng một thời gian rồi chặt. Những nhà sản xuất thành công thường để nhiều công sức để nghiên cứu thị hiếu của khách hàng (để biết chất lượng cỡ nào, bao bì đóng gói thế nào, v.v.) để tổ chức sản xuất theo thị trường đó.
Các nhà sản xuất cần có tai mắt tại các vùng trọng điểm tiêu thụ hàng và vùng sản xuất hàng để nắm càng chính xác càng tốt khối lượng mặt hàng đang và sắp sản xuất, thời điểm thu hoạch, chiều hướng giá cả lên xuống... để liệu định sản xuất của mình. Nếu không nắm được thì rất dễ bị hố.
Về lâu dài, Nhà nước cần có dự báo chiến lược sản xuất các sản phẩm nào để có biện pháp đồng bộ từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường. Nhà nước không nên để mặc cho dân tự phát sản xuất, dẫn đến sự ứ đọng hàng hoá như hiện nay.
Nông dân các nước giàu đã thấy rõ phải gia nhập hợp tác xã hoặc nông hội mới làm ăn hiệu quả được. Ở Hà Lan, một quốc gia châu Âu có diện tích chỉ tương đương với diện tích đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết nông dân đều có cổ phần làm chủ một hệ thống hợp tác xã nông nghiệp giàu nhất châu Âu, đầu tư xây dựng nhiều công ty xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, và hợp tác xã của họ cũng làm cả dịch vụ ngân hàng để tài trợ cho các đầu tư của Hà Lan ra nước ngoài. Hoặc ở Nhật Bản, tầng lớp nông dân cũng rất giàu, họ là chủ nhân của hàng nghìn công ty xí nghiệp lớn nhỏ sản xuất và chế biến hàng hoá bán khắp nước Nhật và xuất khẩu. Họ mướn hàng trăm ngàn nhân viên tốt nghiệp đại học các ngành để làm việc cho họ trong các văn phòng giao dịch, ngân hàng tín dụng, công ty xí nghiệp chế biến, cung cấp nông sản, xuất khẩu, v.v. Người tốt nghiệp các trường đại học, hoặc trường chuyên nghiệp, có nơi thu dụng, xã hội nông thôn ngày càng văn minh hơn không khác gì thành thị. |
Đã đến lúc nông dân chúng ta phải họp nhau lại để chuẩn bị đối đầu với cạnh tranh quốc tế, không thể tiếp tục cuộc đời cá thể lạc hậu như ngàn năm Ông Bà để lại. Vấn đề cần thiết ở đây là Nhà nước phải có một khung chính sách đồng bộ để tạo điều kiện cho nông dân tự giác tham gia làm chủ các HTX hoặc Nông hội.
Sau khi Nhật thua trận vì hai quả bom nguyên tử hủy hại nhiều thành phố Nhật vào năm 1945, nông dân Nhật trở nên rất nghèo, Chính phủ Nhật tham khảo các mô hình phát triển của các nước áp dụng trong phát triển nông thôn và đến năm 1948 mới quyết định chọn mô hình Nông hội phỏng theo kiểu Đan Mạch để áp dụng cho toàn nước Nhật. Qua nhiều điều chỉnh cho phù hợp thêm với xã hội Nhật, Nông hội Nhật hiện nay là tổ chức kinh tế mạnh nhất và giàu nhất của nông dân nhờ chính sách nâng đỡ của Nhà nước. Nguyên tắc cơ bản nhất của Nông hội, và của các HTX tại các nước tiến bộ, làm chủ thật sự của nông dân; Nhà nước chỉ nhúng tay vào bằng các biện pháp và chính sách. Một nông dân chỉ làm chủ Nông hội (NH) khi nào có số vốn góp vào quỹ của Nông hội và được quyền thật sự chọn người quản lý và thực hiện các hoạt động tín dụng, kỹ thuật, và kinh doanh cho mình. Thí dụ, để cho từng nông dân góp vốn vào quỹ NH để NH có thể cho nông dân vay lại, Nhà nước Nhật bảo đảm lãi suất vốn bỏ vào đó tương đương với lãi suất của ngân hàng thương mại. Đồng thời Nhà nước nâng đỡ nông dân bằng cách ấn định lãi suất cố định đối với vốn nông dân vay. Nếu lãi suất ngân hàng thương mại tăng thì Nhà nước bù vào chênh lệch lãi suất cho Nông hội. Vì vậy mọi người nông dân Nhật đều bỏ tiền vào quỹ tín dụng của Nông hội, không dại gì gửi tiền vào ngân hàng thương mại.
Nhưng trong giai đoạn đầu nông dân quá nghèo chưa thể có tiền gửi vào quỹ Nông hội, Nhà nước ứng trước để vào quỹ của Nông hội để các nông dân vay để sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, vài mùa sau là họ có dư vốn để góp vào quỹ Nông hội. Nhờ chính sách nâng đỡ của Nhà nước (chủ yếu qua chênh lệch lãi suất) mà nông dân ngày càng đóng góp cổ phần vào NH. Nông hội từng huyện phát triển lo cho mọi mặt sản xuất của nông dân. Ngày nay họ có những cửa hàng vật tư, những công ty xí nghiệp chế biến nông sản bảo đảm tối đa chất lượng và khối lượng sản phẩm đúng yêu cầu thời gian đặt hàng của các khách hàng (gồm hệ thống các siêu thị tại khắp nước Nhật và nước ngoài). Xí nghiệp cơ bản quan trọng nhất của Nông hội đối với tất cả nông dân Nhật là xí nghiệp chế biến gạo (country grain elevators). Sau khi gặt lúa nông dân giao toàn bộ số lúa đó cho xí nghiệp chở về nhà máy sấy khô ngay để giữ phẩm chất gạo, xay xát và bảo quản. Chủ lúa yên tâm là tiền lúa của mình đã được gởi vào ngân hàng của Nông hội. Nông hội mua vào 2,6 USD/kg ; chế biến đóng gói bán lẻ 5-6USD/kg gạo. Tiền lời được chia trở lại cho các hội viên. Chính phủ bảo vệ mậu dịch cho nông dân trồng lúa có lợi. (ở đây tác giả muốn nhấn mạnh là chỉ mô tả nguyên xi cách làm của Nhật Bản mà không có ý muốn đề nghị chính sách bù lỗ tương tự cho Việt Nam do hoàn cảnh ngân sách eo hẹp của xứ nhà). Các nông sản khác cũng được xử lý theo qui trình tương tự. Nói cách khác, Nông hội lo cho nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mức lời tối đa, giảm bớt hầu hết các trung gian.
Nước ta có điều kiện làm cho nông dân giàu như Nhật không?
Căn cứ vào những thành tích đạt được mấy năm qua, tôi nghĩ nếu chúng ta muốn, thì ta dư sức làm được. Những năm vừa qua, nông dân thuộc Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ của tỉnh Cần Thơ rất phấn khởi sau khi thu hoạch lúa. Họ không còn lo bán lúa có được hay không, vì đã có nông trường tiêu thụ toàn bộ sản phẩm.
Một số chính sách khác
Khả năng xuất khẩu nông thủy sản của chúng ta càng lớn hơn nữa nếu có các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất trên đất Việt Nam, đầu tư bằng vốn nước ngoài 100% hoặc hợp tác với công ty trong nước. Đã có nhiều công ty đầu tư vào rồi, nhưng với cung cách làm ăn của chúng ta, từ năm 1998 đến 2000, liên tiếp các công ty phải rút lui, doanh số đầu tư nước ngoài ngày càng giảm. Những nguyên nhân chính khiến họ ra đi vì luật pháp về hợp đồng của chúng ta còn lỏng lẻo, luật đầu tư còn nhiều điểm khắt khe, đe dọa của quốc doanh luôn luôn còn đó, khiến họ thấy đầu tư vào Việt Nam, một nước tuy có điều kiện an ninh lý tưởng, nhưng có rất nhiều rủi ro. Nhìn ra thế giới, các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines khôi phục lại rất nhanh sau đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua nhờ họ tái thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí như nước Nhật đã giàu như thế mà lượng tiền nước ngoài đầu tư vào Nhật cũng vẫn cứ tăng đều. Các nhà làm chính sách của chúng ta cần nhanh chóng thay đổi.
Đề xuất nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh doanh NN theo chuỗi giá trị
Một hướng đi mới để thực hiện NQ26 là, một số nhà đầu tư khác đang xây dựng Công ty Cổ phần Nông nghiệp (CPNN) Đồng bằng sông Cửu Long trụ sở đặt tại An Giang. Hạt nhân của công ty là cụm công nghiệp sẽ được xây dựng tại huyện Phú Tân gồm hệ thống kho chứa lúa gạo, máy sấy lúa, nhà máy xay xát, đánh bóng gạo, đóng gói theo đơn đặt hàng, máy phát điện bằng gas trấu, nhà máy thức ăn gia súc. Bộ phận nông nghiệp của công ty sẽ tổ chức nông dân sản xuất thành các hợp tác xã, được huấn luyện tay nghề trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, được ứng trước vốn chuẩn bị đất, hạt giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Lúa ướt mới gặt được đưa về cụm nhà máy để chế biến theo chuỗi giá trị gia tăng. Xã viên không lo bị rớt giá nữa. Tiến tới, các xã viên sẽ được quyền mua cổ phần của công ty (dùng lúa đổi lấy cổ phiếu) để cuối năm được chia lời.
|
Tuy nhiên mô hình trên đây chưa được nghiên cứu một cách khoa học để có thể kết luận một cách chắc chắn cho Đảng và Nhà nước có thể có cơ sở khoa học mà xây dựng chính sách mới cho nông nghiệp. Chúng ta cần nghiên cứu các mô hình ứng dụng này theo các nội dung sau đây:
Nòng cốt của Công ty CPNN là cụm nhà máy chế biến tổng hợp kể cả sử dụng các phụ phẩm từ hạt lúa. Hình thức đầu tư thế nào (Malaysia vay tiền của NHTG, ta thì Nhà nước có giúp vay vốn không? Hay cứ để mặc cho các tư nhân hùn vốn vào cổ phần?);
Nông dân mua cổ phần thế nào? (mỗi kỳ thu hoạch sản phẩm sẽ trích một phần sản phẩm để đổi lấy cổ phiếu được không?);
Chính sách bảo đảm giá nông sản cho các cổ đông nông dân: Nông dân bán lúa/nông sản nguyên liệu cho nhà máy vào thời điểm giá nông sản là xxxx đồng. 10 ngày sau công ty thanh toán tiền cho nông dân mà giá thị trường là xxxx-200 đồng, thì công ty vẫn trả cho cổ đông nông dân xxxx đồng; ngược lại nếu giá thị trường là xxxx+500 đồng, thì công ty vẫn trả cho nông dân xxxx+500 đồng. Nói cách khác, cổ đông nông dân không bị mất mát như lúc làm ăn với thương lái. Trường hợp công ty lỗ 200 đồng nói trên, xin Nhà nước có chính sách bù lỗ cho nông dân, như các cường quốc Mỹ, EU, Nhật Bản đang làm hằng năm cho nông dân họ.
Chia lời cuối năm của công ty cổ phần: ngoài chia lãi cổ tức, có nên thưởng theo tỷ lệ cho nông dân bán lúa cho công ty?
So sánh thu nhập của cổ đông nông dân và nông dân không tham gia công ty.
KẾT LUẬN
Việt Nam quyết tâm đuổi theo hướng của các con rồng châu Á. Nhưng mọi người chúng ta đều biết ta càng đuổi, họ càng bay cao, chớ không ai dừng lại chờ ta. Hàng nông thủy sản Việt Nam trong thời gian tới có thắng được hàng nước khác hay không còn do ta có sản xuất theo chất lượng mà khách hàng mong muốn, với giá thành thấp nhất hay không. Vì thế việc sống còn của nông thủy sản Việt Nam chính là “chất lượng và giá rẻ”. Phải có hợp tác giữa lực lượng sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp đầu ra. Từng người nông dân và ngư dân phải có ý thức về “chất lượng và giá rẻ” trong khi sản xuất tại đồng ruộng, đồn điền, rẫy báy; hay trên thuyền đánh cá, vuông tôm, v.v. theo đúng tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP theo hướng dẫn của chuyên môn. Các công ty, xí nghiệp sản xuất/chế biến hàng xuất khẩu càng cần phải quan tâm đầu tư bảo quản chất lượng của sản phẩm ngay từ lúc nông, ngư dân thu hoạch, và tổ chức sản xuất sao cho giá thành thấp nhất. Trên hết Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý nêu trên đây để kích thích nông dân và các công ty, xí nghiệp hăng say sản xuất, bảo đảm cho sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Theo GS Võ Tòng Xuân
Tia sáng