Tháng 6/2011, Công ty xuất khẩu nông sản KOGID Campuchia đã xuất lô gạo đầu tiên, khoảng 300 tấn, sang thị trường Trung Đông trong nỗ lực mở rộng các thị trường quốc tế mới và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Campuchia.
Trong chiến lược xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015, KOGID Campuchia - công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc - đã thành công bước đầu trong việc hợp tác với các nhà nhập khẩu Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), và có kế hoạch đưa gạo sang thị trường Nga vào năm 2012.
Giám đốc kinh doanh và tiếp thị KOGID, Seng Sokhom cho biết nhu cầu tăng cao tại các thị trường quốc tế đã tạo điều kiện để Campuchia mở rộng các quan hệ đối tác, nhất là khu vực Trung Đông.
KOGID cho biết họ sẽ gia tăng thêm các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Campuchia như ngô, sắn và đậu tương ra thị trường thế giới. KOGID có kế hoạch tăng sản lượng gạo xuất khẩu lên 50.000 tấn vào năm 2015, so với mức 5.000 tấn trong năm sau.
Hiện các nhà xuất khẩu gạo Campuchia đang tận dụng khá tốt lợi thế miễn thuế xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) theo cơ chế EBA (Mọi thứ trừ vũ khí) dành cho Các nước chậm phát triển (LDCs).
Trong 5 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia vào EU tăng 216% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 29,4 triệu USD so với 9,3 triệu USD năm 2010.
Theo Đài BBC, hồi tháng 5/2011, các nhà lãnh đạo Campuchia và Philippines đã có buổi gặp tay đôi nhằm tiến tới khả năng cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam để giành hợp đồng cung cấp gạo cho nước nhập khẩu lớn nhất thế giới này.
Tin cho biết tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chào bán gạo giá thấp hơn các nước đối thủ để đổi lấy các khoản đầu tư từ Philippines dành cho ngành nông nghiệp Campuchia.
Hiện Campuchia mỗi năm cung cấp tới 1,5 triệu tấn lúa cho Việt Nam để sau đó xay xát và xuất khẩu ở dạng thành phẩm sang các thị trường trong đó có Philippines.
Mặc dù hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ bảy thế giới, song Campuchia vẫn còn chặng đường dài ở phía trước để biến vựa lúa trù phú, ước đạt gần 4 triệu tấn vào năm nay, thành gạo qua chế biến để xuất khẩu do thiếu hạ tầng và vốn đầu tư cùng với giá điện cao.
Theo Vietnam+