Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận giá một số mặt hàng tăng đột biến thời gian qua có lợi cho nông dân, nhưng tác động tiêu cực tới đời sống của người làm công ăn lương và chỉ số giá cả.
"Nếu giá tăng từ từ theo lộ trình thì ổn nhưng lại tăng đột biến thì tác động tiêu cực nhiều hơn. Do đó, cần xử lý để điều hòa lợi ích phù hợp giữa nông dân và những người tiêu dùng", ông Phát nhìn nhận.
việc tăng giá thịt có lợi cho người nông dân nhưng tác động đến đến đời sống của người làm công ăn lương và chỉ số giá cả. Ảnh:Hoàng Hà.
Ông Phạm Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, tính bình quân từ tháng 6 năm 2010 đến tháng 6 năm nay, giá thức ăn chăn nuôi, thực phẩm tăng 30-60%, đặc biệt thịt lợn tăng đến 70%. Thịt hơi heo công nghiệp dao động từ 62.000 đồng đến 67.000 đồng mỗi kg, trong khi đó ở các nước Đông Nam Á chỉ khoảng 60.000 đồng.
Theo ông Dương, cung cầu về thực phẩm trong nước đang có vấn đề, 50-60% các hộ gia đình hiện không nuôi lợn do cuộc sống khó khăn.
"Lương công nhân hiện tại là 150.000 đồng mỗi ngày, nuôi vài ba con lợn lãi vẫn không bằng. Không có vốn, hộ gia đình phải đi vay nhưng lãi suất lên tới 22-25%, nhiều gia đình không kham nổi", ông Dương cho hay.
Ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở NN&PTNN cho biết thêm, tổng đàn lợn năm ngoái khoảng 1,7 triệu còn thì năm nay giảm xuống còn 1,5 triệu con. Trang trại lớn hầu như chỉ “cầm hơi” chứ không dám đầu tư vì lãi suất quá cao. Mặc dù lợn hơi được giá nhưng chẳng ai mạo hiểm đầu tư vì sợ vài tháng nữa giá sẽ sụt giảm.
Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho hay, thịt lợn xuất đi Trung Quốc đã giảm. Trong 3 tháng đầu năm, tổng thịt lợn xuất sang Trung Quốc khoảng hơn 19.000 con, tuy nhiên 3 tháng gần đây đã không còn. Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ nhập khoảng 70.000 con trâu bò, chủ yếu qua biên giới Tây Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị: "Cục Thú y, Cục Chăn nuôi phải cập nhật giá bán tất cả các tỉnh thành, địa phương xem nơi nào cao nhất, nơi nào thấp nhất. Tôi đề nghị cho tôi thông tin sự thật để xử lý", ông Phát nhấn mạnh.
Về vấn đề thu gom nông sản của Trung Quốc, ông Phát khẳng định, nếu thương nhân kinh doanh theo đúng luật pháp thì để họ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc nước bạn vào tranh mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu cần kiểm tra, rà soát lại, vấn đề ảnh hưởng đến đâu cần nghiên cứu thêm.
Ông Phát cho rằng đối với một số mặt hàng thủy sản đang thiếu nguyên liệu thì các nhà máy nội địa phải xem xét lại. "Hiện nhà máy đang mua với giá thế nào, liên kết với nông dân thế nào? Tôi cho rằng, không nên dùng các biện pháp hành chính ép, phải dùng biện pháp kinh tế hài hòa lại lợi ích giữa các bên", ông Phát nhận mạnh.
Câu chuyện thương nhân Trung Quốc nhập nông thủy sản Việt Nam được đặc biệt chú ý thời gian gần đây, do nhiều người coi đây là nguyên nhân khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước khan hiếm hơn, và giá cả bị đẩy cao hơn. Trong công điện ban hành hôm 9/7, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát vấn đề này.
Theo VnExpress