Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều loại thực phẩm tăng giá 100% trong vòng 12 tháng
12 | 07 | 2011
Sau nhiều đợt biến động giá, người tiêu dùng không khỏi giật mình khi thấy từ hè năm ngoái đến nay, nhiều loại thực phẩm thiết yếu cho bữa cơm hằng ngày đã đắt gấp đôi.

Theo số liệu tiêu dùng tháng 7 năm 2010 của Cục thống kê Hà Nội, giá các loại thịt lợn chỉ 45.000-70.000 đồng mỗi kg. Đến tháng 12 năm 2010, giá thịt lợn tại Hà Nội đã lên ngưỡng 70.000-90.000 đồng, tăng từ 25-50% mỗi kg thịt. Không dừng lại, tính đến tháng 6 năm 2011, mức giá này bị đẩy lên đến 110.000-130.000. Như vậy, trong vòng một năm, giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội đã tăng khoảng 100%.

Cụ thể, vào tháng 7/2010, theo đơn vị mỗi kg, thịt ba chỉ có giá 45.000-50.000, thịt mông sấn là 55.000-60.000 đồng, thịt nạc thăn đắt nhất với 68.000-70.000 đồng. Còn tại thời điểm hiện nay, giá thịt mông sấn và ba chỉ đã lên tới 100.000-110.000 đồng, thịt nạc thăn là 130.000 đồng cho một cân.

Không chỉ thịt lợn, các loại thịt bò, gà, cá cũng tăng giá đến 50% trong vòng một năm qua. Tháng 6 năm 2011, giá mỗi cân thịt gà ta làm sẵn là 140.000 đồng, bò thăn là 200.000-220.000 đồng, cá chép loại to có giá 75.000 đồng. Trong khi đó, thời điểm này một năm về trước, giá thịt gà chỉ là 100.000 đồng, bò thăn được bán với 150.000 đồng và cá chép cũng chỉ 55.000 đồng cho mỗi kg.

Thậm chí, nhiều loại rau, củ quả còn tăng giá gấp vài lần như rau thơm, mùi, rau muống, đậu đỗ, chuối tây… Cô Kim Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, tuy chỉ tăng vài nghìn đồng mỗi mớ rau nhưng nếu xét trên tổng giá trị thì mức tăng lên tới 50-70%. “Sau vài đợt tăng giá, nhìn lại đã thấy mớ rau đang ăn gấp 3-4 lần giá cũ, dù từ năm ngoái đến năm nay, lương chỉ được tăng thêm 10%”, cô Huệ nói.

Việc tăng giá mạnh của các mặt hàng lương thực, thực phẩm góp phần khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Hà Nội tăng 1,21% so với tháng trước và tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong nửa đầu năm nay, CPI bình quân của Hà Nội tăng 15,7% so với sáu tháng đầu năm ngoái, riêng hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, tới 27,5%.

Giá các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày tăng vù vù trong 12 tháng qua khiến đại bộ phận người tiêu dùng đau đầu tính toán chi tiêu. Chị Hạnh (Đê La Thành, Hà Nội) than thở, mỗi đợt giá biến động đều thấy lên chứ hiếm khi giảm. Kéo theo đó, hàng quán, dịch vụ rồi chi phí học hành của con cái cũng tăng, trong khi lương tăng chẳng đáng là bao.

“Từ nhiều năm nay, giá tăng như luật bất thành văn buộc mình phải thường xuyên đọc báo và lui tới các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm sống chung với lũ”, chị Hạnh mách nước.

Ngay đến tiểu thương, những người trực tiếp “leo thang” cùng giá thực phẩm cũng không sung sướng gì. Cô Thy (Mê Linh, Hà Nội) bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân cho biết, vì nhập cao nên phải tăng giá, chứ lãi vẫn vậy, thậm chí còn ít hơn trước vì số lượng bán ra giảm, mà chi phí bỏ ra lại cao.

Theo cô Thy, giá rẻ, người đi buôn cũng dễ nhập, người mua thoải mái. Còn khi giá cao, khách ỉ ôi chê đắt rẻ, nhiều người còn hạn chế thịt cá nên việc kinh doanh ế ẩm, doanh thu giảm sút.

Khi được hỏi về lý do tăng giá, các tiểu thương cho hay, mỗi đợt tăng là mỗi lý do. Cô Thy còn nhớ, từ vụ đông năm ngoái tới giờ, giá tăng liên tục. "Rét quá, rau cỏ không sống được. Tết đến, tất cả mặt hàng đều lên giá như quy luật. Rồi giờ thì bão, mưa, rau chết, gia súc dịch bệnh. Nhìn chung, cứ khan hàng là tăng giá”, cô nói.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao như vậy là do nguồn cung ít. "80% thức ăn chăn nuôi đều là nhập khẩu nên chi phí cao, dịch bệnh khiến người nông dân không dám nuôi gia súc. Khi chỉ một con nhiễm virus, sẽ phải hủy cả đàn. Giá cả lại đắt lên", ông An giải thích.

Ông Nguyễn Lộc An cho biết các bộ ngành đang tính tới phương án tăng đàn, hy vọng nguồn cung sẽ dồi dào hơn, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong 6 tháng cuối năm và dịp Tết sắp tới.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cho rằng, thời tiết bất ổn, thói quen sử dụng thịt lợn là thực phẩm chính trong các bữa ăn của người tiêu dùng Việt, kèm với việc thương lái Trung Quốc sang thu mua nông sản góp phần khiến nguồn cung trở nên hạn chế hơn.

Chuyên gia này đưa ra giải pháp cần áp dụng hiện nay là tăng cung, giảm cầu và kiếm soát khâu phân phối để giá thu mua của thương lái và giá bán đến tay người tiêu dùng không bị chênh quá lớn. Tức là tăng nguồn cung tự nhiên từ các trại nuôi gia súc trong nước và mở rộng nhập khẩu khi cần, giảm xuất khẩu.

"Xuất khẩu thực phẩm giúp điều kiện phát triển kinh tế, nhưng trong tình hình nguồn cung trong nước còn chưa đáp ứng đủ thì chúng ta chưa nên đẩy mạnh hoạt động này", Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Theo VnExpress



Báo cáo phân tích thị trường