Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có thực sự người nuôi heo đang lãi lớn?
20 | 07 | 2011
Vừa qua, trên một số báo mạng có bài “Thịt lợn tăng giá, người nuôi lãi kỷ lục”, theo đó, người nuôi heo có thể lãi tới 4 triệu đồng/con. Đứng trên cương vị người chăn nuôi, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi ALPHA, Văn Giang, Hưng Yên có 1 số chia sẻ như sau:

  1. Người chăn nuôi đang có lãi:

-          Đúng là hiện nay, nếu có đầu heo xuất thịt, người chăn nuôi đang không chỉ có lãi, mà có thể gọi là lãi “kỷ lục” từ trước đến này. Tuy không lãi như bài báo phản ánh, là lãi đến 4 triệu đồng/con, nhưng mức lãi cũng được coi là cao nhất từ trước tới nay.

-          Một phép tính như sau, một con heo, từ khi tách mẹ (6kg) tới lúc xuất chuồng (100kg) phải ăn  hết khoảng 240kg thức ăn. Với giá thức ăn tăng cao như hiện nay, chi phí này khoảng 3 triệu đồng tiền thức ăn. Nếu người nuôi heo thịt, không nuôi heo nái, thì mất thêm khoảng 1,6 triệu đồng tiền phí giống. Ngoài ra, người nuôi cần phải chịu thêm tiền thuốc (50.000đ/con) tiền khấu hao chuồng trại (50.000đ/con) và các chi phí khác như công nhân, điện.. (100.000đ/con), thì mức chi phí là khoảng 4,8 triệu/con. Nếu mức giá bình quân hiện nay khoảng 70.000đ/kg lợn hơi (nguyên con) thì người chăn nuôi được lãi khoảng 2,2 triệu đồng/con. Nếu hộ chăn nuôi nào có nuôi thêm heo nái, tự  cung cấp được heo con, thì có thể có lãi thêm khoảng 700.000đ/con, tức tổng là 2,9 triệu/con.

 

  1. Thực lãi không nhiều như  mọi người vẫn tưởng:

-          Tuy nhiên, đó mới chỉ là phép tính đi, còn phải tính đến phép tính ngược. Tức là để có thể xuất được 100 con heo tại thời điểm hiện tại, thì người chăn nuôi phải bỏ ra những gì? Có phải là chỉ phải bỏ ra  4,8 triệu và thu về 7 triệu không? Hoàn toàn không phải như vậy. Như chúng ta đều biết, trong  6 tháng đầu năm, dịch bệnh “Tai xanh” và bệnh “Lở mồm long móng” bùng phát hết sức nguy hiển, khắp trong Nam, ngoài Bắc, khiến cho quy mô tổng đàn gia súc giảm đáng kể (theo chúng tôi là 30%). Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá thịt heo tăng cao như hiện nay.

-          Với mức hao hụt 30% phải được phân bổ vào chi phí giá thành, cộng thêm dịch bệnh bùng phát, làm chi phí thuốc thú y tăng gấp đôi, chi phí thức ăn bỏ phí cho nhưng con heo bị chết,  theo chúng tôi ước tính, giá thành 100kg heo thịt tại thời điểm hện tại không dưới 6 triệu (chứ không phải là 4,8 triệu như trong trường hợp không bị hao hụt như  trên). Như vậy, lãi thực đối với những hộ chăn nuôi giữ được 1 phần heo chỉ là khoảng 1 triệu/con, nếu nhà nào hao hụt trên 50% coi như vẫn lỗ. Nếu như hộ nào có nuôi heo nái, thì thiệt hại từ heo nái còn lớn hơn, vì sẽ bị ảnh hưởng tới công suất trong vòng 1-2 năm tới.

-          Việc phân tích như trên để chứng tỏ 1 điều rằng, người nông dân hiện nay không hề lãi nhiều như mọi người vẫn suy nghĩ, và việc chăn nuôi hiện tại cũng không phải là “siêu lợi nhuận”, không phải là “nuôi heo hơn buôn vàng”… để rồi mọi người có cái nhìn không mấy thiện cảm về ngành chăn nuôi, để rồi ra sức “cổ vũ” cho việc nhập khẩu thịt để “bóp chết” ngành chăn nuôi trong nước. Rằng dù có lãi như vậy, nhưng không có nhiều người chăn nuôi nào cũng sẵn sàng phát triển sản xuất.

-          Theo chúng tôi, giá thịt heo cao như hiện tại sẽ không bền, và chắc chắn sẽ giảm xuống trong ngắn hạn, vì:

·         Dịch bệnh về cơ bản đã được dập tắt từ khoảng tháng 3/2011, người chăn nuôi đã yên tâm khi quyết định tăng đàn.

·         Giá heo thịt và heo giống đang ở mức hấp dẫn, nên kích thích người chăn nuôi tập trung phát triển đàn heo của mình.

·         Thời gian cung  thịt heo ra thị trường khoảng 4 tháng sau khi nuôi heo cai sữa

·         Như vậy, chỉ khoảng tháng 8, cùng lắm là sang tháng 9, nguồn cung thịt heo sẽ tăng lên đáng kể, giá thịt heo sẽ giảm xuống là tất yếu.

·         Thực tế, như công ty chúng tôi, vừa sản xuất heo giống và vừa cung cấp thức ăn gia súc, doanh số 2-3 tháng gần đây tăng liên tục, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.

 

  1. Các biện pháp kích thích phát triển chăn nuôi:

Theo chúng tôi, để phát triển ngành chăn nuôi trong nước, đủ sức đáp ứng nhu cầu dần tăng của thị trường nội địa và diễn biến dịch bệnh, thiên tai bất thường, có 2 nhóm giải pháp như sau:

3.1  Ngắn hạn:

-          Kiến nghị không cần thiết phải nhập khẩu thịt: (1)Việc giá cả trong nước tăng cao như hiện nay chỉ là nhất thời, và trong thời điểm ngắn. Thực thế giá cũng mới chỉ tăng cao trong 2 tháng trở lại đây, và chắc chắn sẽ giảm trong 1-2 tháng tới. (2) Việc nhập khẩu thịt heo tại thời điểm hiện tại, sẽ như 1 gáo nước lạnh, dập tắt nhiệt huyết tăng cường đầu tư,  phát triển chăn nuôi của nông dân trong nước và mở ra cơ hội rộng mở cho thịt nhập ngoại. Điều này có thể giảm nhiệt được giá thịt trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, chúng ta sẽ không có 1 nền chăn nuôi lành mạnh, mãi mãi sẽ phụ thuộc vào nước ngoài. Thực tế, chúng ta có thể chờ đợi giá thịt và thực phẩm sẽ giảm nhiệt vào tháng 9, cùng lắm là tháng 10/2011.

-          Tăng cường các biện pháp bình ổn giá như các bộ, ngành vẫn làm trong thời giam vừa qua.

 

3.2  Dài hạn:

-          Để có 1 nền chăn nuôi phát triển, theo kinh nghiệm quản lý 10 vừa qua của chúng tôi, chúng ta cần phải tập trung phát triển mạnh các trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, không nhất thiết phải theo đuổi chương trình “toàn dân chăn nuôi”. Vì theo thực tế, 1 đơn vị chăn nuôi như công ty chúng tôi, với 700 heo nái, 1 năm cung cấp ra thị trường 12.000 heo thịt, tương đương1.200 tấn thịt heo, tương đương với khoảng 200 hộ chăn nuôi cỡ vừa, có đủ thịt cung cấp cho khoảng 35.000 dân (bình quân 30kg/người/năm).

-          Để hỗ trợ các trang trại chăn nuôi tập trung phát triển, 2 yếu tố quan trọng nhất để phát triển, đó là nguồn vốn và đất đai.

-          Hỗ trợ vốn và lãi suất:

·         Vì mức đầu tư cho chăn nuôi công nghiệp khá lớn, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì suất đầu tư hiện tại, là khoảng 40 triệu/ 1 heo nái (kể từ lúc làm chuồng trại, nuôi heo nái, sinh ra heo con, nuôi heo con đến lúc xuất thịt – chưa kể tiền đất), và thời gian đầu tư dài (từ lúc có đất làm trang trại, đến lúc có heo thịt xuất, nhanh nhất cũng phải mất 1,5-2 năm). Với mức như vậy, nền nông nghiệp nước ta chưa có nhiều hộ có khả năng đầu tư bài bản, rất cần hỗ trợ nguồn vốn từ nhà nước, hay tối thiểu là hỗ trợ lãi suất trong vòng 2 năm đầu tiên.

-          Hỗ trợ về đất đai:

·         Để phát triển ngành chăn nuôi, yếu tố môi trường và dịch bệnh là cực kỳ quan trọng, điều này gắn liền với việc thuê/mua đất. Đất làm trang trại phải yêu cầu là có quy mô rộng (2-5 ha), thời gian dài (20 năm trở lên), cách xa dân cư, giá rẻ.. Các trang trại rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương để có thể tiếp cận được quỹ đất phù hợp, để có thể phát triển được chăn nuôi bền vững.

Theo TS NGUYỄN HỒNG HÀ - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi ALPHA



Báo cáo phân tích thị trường