Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi heo: Tìm hướng đi bền vững
02 | 06 | 2008
Tuy đang trong thời điểm được giá, song so với những năm trước, tổng số heo trên địa bàn tỉnh giảm hơn 30%.
Thời điểm này giá thịt heo cao, người chăn nuôi có lãi, cuộc sống nhiều hộ chăn nuôi khá hơn trước. Song, những thách thức từ giá thức ăn gia súc và nguy cơ dịch bệnh... cũng đang là mối lo lớn cho người chăn nuôi. Vì vậy, tìm được giải pháp phát triển ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững là rất cần thiết.

PHÁT HUY LỢI THẾ

Bà Rịa-Vũng Tàu có đủ điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Người dân có truyền thống chăn nuôi, địa bàn lại gần với các thị trường tiêu thụ lớn như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh...

Mấy năm qua, ngành chăn nuôi được chú trọng, mạng lưới thú y cơ sở phát triển, nhiều cơ sở sản xuất giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao được hình thành, người chăn nuôi có ý thức bảo đảm chăn nuôi heo sạch, không sử dụng kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng. Nhiều nông dân biết ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, nên chất lượng thịt heo được cải thiện đáng kể. Nhiều trang trại biết áp dụng phương pháp tự lai giống để có giống phù hợp với từng điều kiện khí hậu, tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành. Mặt khác, trong cộng đồng đã hình thành nhiều phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các công ty chế biến thực phẩm và các đại lý cung ứng giống, thức ăn gia súc với các trang trại chăn nuôi. Ông Lê Thanh Đính, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, cho biết, trang trại của ông, mỗi lứa xuất chuồng khoảng 3.000 con heo. Đến ngày xuất chuồng, các công ty chế biến đồ hộp xuất khẩu, sản phẩm ăn liền... ở Đồng Nai, Bình Dương xuống mua nguyên đàn, nhờ vậy không mất công tìm thị trường tiêu thụ. Còn số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì các thương lái tìm đến tận nơi để mua, hầu hết là phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh.

ĐỂ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BỀN VỮNG

Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành chăn nuôi ngày càng có vị trí quan trọng, chiếm hơn 21% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi heo chiếm 60% giá trị sản xuất và trở thành nguồn thu nhập chính trong tổng doanh thu toàn ngành. Hiện, toàn tỉnh có hơn 26.000 con heo, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Tân Thành, Châu Đức và Xuyên Mộc. Tuy đang trong thời điểm được giá, song so với những năm trước tổng số heo giảm hơn 30%, điển hình như huyện Châu Đức giảm hơn 50%. Các hộ chăn nuôi lý giải, giá heo tăng, song trên thực tế lợi nhuận cho người chăn nuôi không tăng bao nhiêu. Tại thời điểm này, giá heo hơi đang là 45.000đồng/kg, nhưng người chăn nuôi không có lãi bằng lúc 30.000 đồng/kg, bởi vì giá heo giống tăng 80-90%, giá cám cũng vậy. Bên cạnh đó, những rủi ro từ dịch bệnh làm người chăn nuôi luôn sống trong tâm trạng “ngồi trên lưng hổ”, có thể bị lỗ bất cứ lúc nào. Tuy năm nay chưa xảy ra dịch bệnh lớn, nhưng mỗi lứa heo cũng đã bị tổn thất từ 10-20% vốn đầu tư do các bệnh thông thường. Đây chính là nguyên nhân làm cho người chăn nuôi không dám mạnh dạn đầu tư.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 60% hộ gia đình và trang trại chăn nuôi heo nhỏ lẻ chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh an toàn dịch bệnh. Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, sản xuất sản phẩm tập trung chuyên nghiệp thì khâu đầu tiên phải triển khai dự án quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Thế nhưng, thời gian qua, một số địa phương đã có quy định cấm chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu “hương ước”, nhưng chưa có sự tổ chức chặt chẽ. Vì vậy vẫn còn tình trạng chăn nuôi mang tính tự phát; người chăn nuôi không có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, thuê đất với giá ưu đãi. Đây chính là những khó khăn lớn nhất, hạn chế ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa như mục tiêu đã đề ra.




Nguồn: vietlinh.vn
Báo cáo phân tích thị trường