Giá cá tra có dấu hiệu ngưng giảm
Giá chỉ còn giảm ở Long Xuyên của An Giang và tỉnh Đồng Tháp, mức giảm cũng co hẹp về dưới 1.000 đồng/kg. Tại Cần Thơ, giá tăng 1.000 đồng/kg. Cụ thể tại huyện Long Xuyên tỉnh An Giang, giá cá tra thịt trắng tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu (loại 0,9 – 1,1 kg/con) tuần này hạ 1.000 đồng xuống 24.000 – 25.000 đồng/kg.
Tại Châu Đốc, Châu Phú và Thoại Sơn, giá cá tra nguyên liệu đã ngưng giảm và dao động phổ biến ở 24.000 – 25.000 đồng/kg.
Tại Đồng Tháp, giá cá tra thịt trắng tuần này chỉ hạ 500 – 700 đồng/kg, so với mức giảm 1.000 đồng của tuần trước, phổ biến ở 24.000 – 24.800 đồng/kg.
Giá cá tra ở Cần Thơ đã tăng trở lại mức 23.000 – 26.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng so với tuần trước.
Với cá giống, giá cá tra bột tuần này cũng tăng mạnh lên 0,9 đồng/con, so với 0,5 đồng/con của tuần trước. Cá hương cỡ 3.000 con/kg ổn định mức 50 đồng/con và cá giống cỡ 2 cm giá 800 đồng/con.
Dù đã có các dấu hiệu ngưng giảm nhưng giá cá tra tại các tỉnh này hiện thấp hơn khoảng 4.000 – 6.000 đồng/kg so với giá kỷ lục thiết lập hồi cuối tháng 4.
Giá lúa gạo tăng mạnh nhờ nhu cầu xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo nước ta tuần này tiếp tục tăng nhờ nhu cầu mạnh từ nước ngoài.
Tại khu vực ĐBSCL, giá lúa khô loại thường dao động từ 5.750 - 5.900 đồng/kg, tăng 50 đồng so với tuần trước, giá lúa dài khoảng 5.950 - 6.150 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm tăng 200 đồng, lên 8.000 – 8.150 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.800 – 7.950 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm tăng đồng loạt 100 đồng/kg, với gạo 5% tấm không bao bì tại mạn 9.450 – 9.600 đồng/kg, gạo 15% tấm là 8.850 – 9.100 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.600 – 8.750 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Cũng theo VFA, trong tuần từ 1/7 đến 7/7, cả nước đã xuất khẩu 105.837 tấn gạo, thu về 49,087 triệu USD, nâng tổng số gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên 4,018 triệu tấn, trị giá 1,896 tỷ USD.
Giá gạo nước ta trong 2 tuần qua tăng mạnh trở lại sau hơn 2 tháng sụt giảm liên tiếp, nhờ nhu cầu cao từ các khách hàng, đặc biệt có lợi thế cạnh tranh hơn so với giá gạo của Thái Lan. Bangladesh trong tuần trước ký hợp đồng mua 200.000 tấn gạo 15% tấm giao trong tháng 7, Indonesia cũng đã thỏa thuận xong việc mua 1 triệu tấn để bình ổn giá trong nước.
Dự báo giá gạo nước ta sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ khách hàng của Thái Lan chuyển sang trước dự báo giá gạo Thái sẽ tăng cao khi đảng Pheu của nước này thực hiện chính sách thu mua lúa gạo giá cao như đã cam kết.
Giá thức ăn chăn nuôi: đầu vào giảm, đầu ra tăng
Mặc dù giá nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu để chế biến thức ăn gia súc giảm hoặc đứng giá nhưng giá sản phẩm mà các nhà máy trong nước bán cho người chăn nuôi lại tiếp tục tăng. Đây là một nghịch lý cần được làm sáng tỏ.
Từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần, khiến cho giá heo phải tăng theo. Giá mua heo hơi tại tỉnh Tây Ninh hôm nay lên đến 64.000 đồng/kg.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết trong tháng 6, giá thức ăn cho heo và gà đã tăng trung bình 11-12% so với tháng 1. Trong khi đó, giá nhiều loại nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như khô dầu đậu tương, bột cá trong tháng 6 đã giảm khoảng 5% so với tháng trước, chỉ riêng giá bắp nhập khẩu đứng ở mức cao, ông Lịch cho biết.
Theo báo cáo mà Hiệp hội gửi cho Tổ điều hành thị trường trong nước vào cuối tháng 6, diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường thế giới có những đợt tăng giảm khá mạnh chứ không chỉ “một chiều tăng” như giá thức ăn trong nước. Cụ thể, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 thì giá nhiều loại nguyên liệu như bắp, lúa mì, bột cá, khô dầu đậu tương… trong tháng 2 đứng lại rồi giảm mạnh vào tháng 3. Tháng 4 giá các mặt hàng trên tăng nhẹ trước khi ổn định trong suốt tháng 5 và tháng 6. Tại sao giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi không giảm tương ứng với giá nguyên liệu nhập khẩu là vấn đề mà người chăn nuôi rất quan tâm, cần được các cơ quan quản lý làm rõ.
Tổng hợp