Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu cơ gạo quá lớn
10 | 08 | 2011
“Không chỉ người hoạt động trong nghề, nhiều người ngoại đạo cũng nhảy sang đầu cơ gạo”

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong trả lời phóng viên hôm 9-8.

 

Ông có thể nói cụ thể về tình hình đầu cơ gạo hiện nay?

 

Hiện các doanh nghiệp (DN) đón trước tình hình và mua rồi để đó, đến giờ mới lấy hàng. Số lượng rất lớn. Các nhà máy, hàng xáo thấy tình hình diễn biến như vậy nên mua về để đó và không xài.

 

Bên cạnh đó, một số DN không kinh doanh gạo nhưng thấy có lời nên bỏ tiền mua để đó. Dù không dự báo được nhưng chúng tôi thấy số lượng là lớn. Hiện số lượng gạo cung ra bao nhiêu, đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu.

 

Đâu là nguyên nhân thưa ông?

 

Lý do chính là yếu tố tâm lý; ảnh hưởng từ Thái Lan. Khi vận động bầu cử, người ta hứa sau khi trúng cử sẽ nâng giá lúa từ 11.000 lên 15.000 bath/tấn. Nhưng họ chưa làm liền được. Nên giới buôn gạo ở Thái Lan cũng dự trữ, mấy ông xay xát của mình cũng dự trữ, không bán.

 

Các DN xuất khẩu gạo hiện nay cũng không muốn bán vì bán ra sợ hố… Do tình hình vậy nên giá trong nước bị đẩy lên quá cao, cho đến thời điểm này cao hơn giá Thái Lan. Ví dụ gạo Thái Lan loại 5% tấm giá 545 USD/tấn, trong khi tại Việt Nam hiện giá vốn đã lên gần 560 USD/tấn rồi.

 

Việc đầu cơ ảnh hưởng thế nào đối với thị trường trong nước, thưa ông?

 

Nó làm cho cân đối cung cầu và giá hình thành không đúng thực chất. Ví dụ, giá gạo hiện nay ở ta lên cao quá so với mặt bằng thế giới và điều đó làm cho các DN Việt Nam gặp khó. Chẳng hạn, hồi tháng 4, tháng 5 vừa rồi, do giá gạo Việt Nam cao hơn giá Thái Lan nên một số khách ở Việt Nam qua bên đó mua.

 

Các DN thành viên VFA có đầu cơ không?

 

Không, Hiệp hội điều hành theo chỉ tiêu đã có hết rồi. Và trong Hiệp hội phải làm công tác dự trữ lưu thông để thực hiện trách nhiệm can thiệp thị trường.

 

Theo ông, biện pháp gì để bình ổn thị trường gạo trong nước, không xảy ra đột biến?

 

Đảm bảo không đột biến. Vì Thái Lan hiện nay không thiếu gạo, thậm chí còn nhiều nữa. Gạo dự trữ của Chính phủ của họ còn 2 triệu tấn và ở trong dân thì rất nhiều. Việt Nam cũng vậy, không thiếu gạo; gạo xuất cứ xuất, tồn kho là tồn kho, thu hoạch là thu hoạch.

 

Các nguồn thu thì liên tục, cụ thể thu hoạch vụ hè thu năm nay khoảng cuối tháng 8 là xong, tháng 9-10 thu hoạch vụ thu đông, tháng 11-12 lại tới vụ mùa sớm. Riêng TPHCM hiện chủ động nguồn gạo tại huyện Bình Chánh và tại các tỉnh Tiền Giang, Long An để cung ứng cho thành phố nên không có chuyện thiếu gạo, đừng lo thiếu gạo rồi ùn ùn đi mua rồi bị người ta móc túi. Còn muốn mua gạo thì cứ vào các cửa hàng bình ổn, giá bán thấp hơn thị trường 10%.

 

Theo Đại Dương
Tiền phong


Báo cáo phân tích thị trường