Trong cơ cấu hàng XK của công ty 7 tháng đầu năm 2011, riêng tôm đông lạnh là 4.100 tấn, còn lại là cá biển đông lạnh và mực đông lạnh. Hiện nay, EU vẫn là thị trường NK lớn của Thuan Phuoc Corp và đến hết tháng 7/2011 đã NK khoảng 2.000 tấn thủy sản của DN. Tiếp đến là thị trường Mỹ, Nhật Bản...
Cho dù 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của DN có tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng ông Lĩnh cho rằng số lãi thu được không lớn. Mọi chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng từng ngày trong khi giá XK không điều chỉnh kịp, cho dù khách hàng hiểu và chấp thuận.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu hải sản tại nhiều vùng biển khan hiếm và giá tăng “chóng mặt” trong thời gian ngắn khiến DN phải loay hoay để đáp ứng đơn hàng.
Ông Lĩnh cho rằng, có thể nói năm nay hoạt động sản xuất, XK thủy sản còn khó khăn hơn cả năm 2008 - năm được coi là khó khăn nhất trong vòng một thập kỷ qua. Mọi chi phí đều tăng quá nhanh và biến động từng ngày. DNXK e ngại và không dám ký đơn hàng dài hạn đến cuối năm. Không ký đơn hàng thì lo thiếu việc làm cho công nhân, không đạt kế hoạch kinh doanh nhưng ký rồi lại như “ngồi trên đống lửa” để tìm kiếm nguyên liệu, nhân công và cân đối đầu vào sản xuất với giá đầu ra XK nhằm thu lời và trả lương cho người lao động.
Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, DN trông chờ vào ngân hàng để quay vòng sản xuất nhưng việc vay vốn không dễ và lãi suất thì “quá xa” với DN - ông Lĩnh nói.
Theo Vasep