Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà bán lẻ tại thị trường lớn có thể tăng giá thuỷ sản để giảm gánh nặng chi phí
23 | 08 | 2011
Các siêu thị tại các thị trường lớn đang tìm cách xoay xở để đối phó với tình trạng tăng giá các mặt hàng thuỷ sản trong năm nay

Giá các mặt hàng thuỷ sản tăng chủ yếu do giá nhiên liệu và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Một số nhà cung cấp đã tăng nhẹ giá bán hoặc thay đổi loại thuỷ sản chào bán, một số khác chỉ đơn giản chấp nhận chi phí cao hơn và tiếp tục cung ứng các loại thuỷ sản như trước đây.

Theo các nhà giao dịch trên thị trường, giá thuỷ sản bán buôn đã tăng 8 – 20% trong năm qua. Tại thị trường Mỹ, giá bán lẻ các loại thuỷ sản tươi sống tăng, doanh thu giảm. Tính đến hết tháng 4, giá thuỷ sản bán lẻ tại Mỹ đã tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm trước đó, doanh số giảm 4,5%. Trong quý 1/2011, giá bán lẻ trung bình các mặt hàng thuỷ sản đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Giá 13/15 mặt hàng cá nuôi đã tăng trong suốt năm qua. Một số loại thuỷ sản tăng giá đáng kể như cá hồi Thái Bình Dương dạng tươi sống, tăng 16% về giá và giảm 21% về doanh số. Ngoài ra, doanh số các loại thuỷ sản giáp xác cũng giảm 26% tính đến hết tháng 4 với mức giá các loại giáp xác tăng trung bình 15,7%.

Theo các nhà giao dịch, giá tôm hùm và cua những năm trước rất rẻ nhưng năm nay, giá tăng cao lên mức kỷ lục, đã ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ. Trong khi đó, giá cá rô phi đã tăng 7%, lượng tiêu thụ giảm 2%. Giá cá da trơn tăng 6% và mức doanh số giảm tương ứng là 7,7%. Một số nhà bán lẻ nhấn mạnh mức tăng giá bán buôn của các loại cá nuôi mạnh hơn giá cá đánh bắt tự nhiên.

Với sự tăng giá và giảm doanh số bán hàng như trên, các siêu thị tại Mỹ phải làm thế nào để đối phó với những thay đổi chóng mặt về giá cả? Dayton, cơ sở tại Ohio thuộc chuỗi siêu thị Dorothy Lane Market phải chấp nhận các đơn chào hàng tăng giá khoảng 8% và hiện đang tăng giá bán lẻ, chuyển bớt một phần gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng. Nhà bán lẻ này đã nỗ lực duy trì giá bán lẻ thuỷ sản ổn định trong suốt năm qua bất chấp giá chào hàng đầu vào đã tăng mạnh.

Thị trường thuỷ sản hiện không xấu như thời điểm suy thoái kinh tế vào năm 2008 – 2009 và khách hàng cũng nhận thấy rằng giá nhiên liệu tăng, đồng thời có thể chấp nhận mức tăng giá bán lẻ hiện nay. Chi phí bán buôn của một số nhà bán lẻ đã tăng 15 – 20% trong nửa đầu năm 2011 và hầu hết đều muốn duy trì giá thấp cho đến khi có thể tiếp tục.

Ví dụ, chi phí cá efin đông lạnh đến quầy bán khoảng 7 USD/pound và nhà bán lẻ yết giá là 8,99 USD/pound. Chi phí bán buôn cá rô phi – một trong những loại cá tiêu thụ mạnh nhất, là 3,82 USD/pound và giá bán lẻ trung bình yết hồi đầu tháng 7 là 5,99 USD/pound.

Với sự tăng giá thành, các nhà bán lẻ đã phải tăng giá bán lẻ khoảng 5 – 6% trong nửa đầu năm 2011. Do nhiều nhà bán lẻ đang chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng trong ngắn hạn, điều này nghĩa là về dài hạn họ có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Các mặt hàng thuỷ sản là một trong những nhóm hàng tăng giá mạnh nhất so với các mặt hàng tươi sống khác.

Tuy nhiên, sự tăng giá này có thể đẩy người tiêu dùng sang tiêu thụ các loại thực phẩm khác. Mặc dù vậy, việc các nhà bán lẻ tăng giá trong thời điểm này là cần thiết để sống sót trên thị trường. Thực tế họ đã duy trì mức giá bán lẻ ổn định trong suốt giai đoạn 2008 – 2009.

Kim Dung AGROINFO

Theo Seafood Business


Báo cáo phân tích thị trường