Thời gian vừa qua, ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều cơ sở quy mô nhỏ đã pha trộn các tạp chất như tinh bột hồ hóa, bùn đất vào chế biến chè hoặc phơi chè ở nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc làm trên đã vi phạm nghiệm trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, gây thiệt hại cho người làm chè, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu chè và uy tín của ngành chè Việt Nam.
Để chấm dứt những hành vi này, trong công văn số 1553/Ttg- KTN, gửi các đơn vị có liên quan, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất chè, có kế hoạch trồng mới, trồng thay thế bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phổ biến áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến chè.
Bên cạnh đó, cơ quan này cần chủ trì xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè quy mô nhỏ; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, phát hiện các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm chè từ khâu sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Song song với việc xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ nông dân, hợp tác xã với các cơ sở chế biến chè, đáp ứng điều kiện sản xuất, chất lượng và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và cơ sở chế biến.
Đối với Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cần chấn chỉnh và nâng cao năng lực của các thành viên trong việc tổ chức thu mua nguyên liệu với giá cả hợp lý, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá trị chè xuất khẩu Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực.
Về phía Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng sản xuất, tiêu thụ chè kém chất lượng. Điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp đặt hàng, thu mua chè kém chất lượng.
Bộ Tài chính chỉ đạo ngành hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu, kiểm soát chặt chẽ lượng chè xuất nhập khẩu, chỉ cho phép thông quan khi có xác nhận kết quả kiểm tra chất lượng chè đạt yêu cầu; thông báo với các cơ quan chức năng xử lý chè kém chất lượng theo quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè; đồng thời phát hiện, phản ánh kịp thời, khách quan tình hình sản xuất, chế biến, buôn bán, xuất nhập khẩu chè kém chất lượng để các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý.
Theo Vneconomy
Đối với UBND các tỉnh có sản xuất chè, Thủ tướng yêu cầu phải chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm đối với các cơ sở đã pha trộn tạp chất vào chế biến chè; kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè kém chất lượng, không đảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, cần rà soát quy hoạch cơ sở chế biến, bảo đảm phù hợp với vùng nguyên liệu trên địa bàn; chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư cơ sở chế biến theo các quy chuẩn kỹ thuật; định kỳ kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất, chất lượng chè của các cơ sở chế biến này.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới cũng cần chỉ đạo các lực lượng kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán, xuất khẩu chè không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trao đổi với VnEconomy, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Vitas cho rằng, nguyên nhân chính khiến tình trạng chè bẩn có đất phát triển ở một số địa phương là do các nhà quản lý của Việt Nam chưa nhận thức được chế biến chè cần phải là một ngành kinh doanh có điều kiện, phải thoả mãn được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu…
Nếu có quy định, các nhà máy sẽ phải có hợp đồng chặt chẽ với người trồng chè thì đã không có hiện tượng người nông dân tự do chế biến sản phẩm của mình như hiện nay, ông Tuân nói.