Chất độc vứt vô tội vạ Trung tuần tháng 1/2007 chúng tôi về ấp An Bình, xã An Cư (Cái Bè, Tiền Giang). Ở khu vực tổ 4 có khoảng 30ha đất ruộng sản xuất 3 vụ/năm xen đất rẫy canh tác các loại hoa màu. Tại một ruộng dưa hấu tết 2.000m2, trái đã to bằng bắp tay nhưng nhiều dây bị hư vàng úa, anh nông dân tên Dình đang ra sức phun thuốc trừ bệnh, bón phân cho dưa.
Xung quanh ruộng dưa chúng tôi đếm được hàng chục vỏ bao thuốc BVTV đủ mọi nhãn hiệu vứt tứ tung trên bờ và trôi lập lờ dưới dòng kênh nước chảy chậm chạp. Phun hết bình thuốc, Dình thản nhiên xé bao pha bình mới và vỏ bao thuốc được vứt xuống dòng kênh.
Xem kỹ vỏ các bao thuốc thấy nhãn hiệu nào cũng ghi rõ: “Tránh xa tầm tay trẻ em và tiêu hủy nơi an toàn”, chúng tôi hỏi: “Sao anh không chôn hay đốt bỏ vỏ bao thuốc để tránh độc hại?”, Dình cười vô tư: “Ở đây ai cũng làm vậy, có thấy ai chôn, đốt đâu?”.
Ông Nguyễn Văn Cường, cư dân ấp An Bình, cho biết đã khá lâu người dân trong khu vực không dám sử dụng nước kênh để ăn uống, tắm giặt bởi nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng do lượng phân bón, thuốc BVTV tồn dư trên đồng ruộng chảy xuống. “Cách nay vài năm con kênh này còn rất nhiều tôm cá nhưng bây giờ không con gì sống nổi. Nhiều người tắm nước kênh bị ngứa, nổi ghẻ nên không ai dám sử dụng nữa” - ông Cường nói.
Không riêng khu vực ấp An Bình mà bất cứ đâu của vùng nông thôn ĐBSCL cũng dễ dàng bắt gặp vô số chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV đủ loại nhãn hiệu vứt tràn lan khắp nơi. Thạc sĩ
Lê Hữu Hải, trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, bức xúc: “Tình trạng này rất phổ biến, làm môi trường canh tác (đất đai và nguồn nước) bị nhiễm độc trầm trọng, ảnh hưởng đến vật nuôi cây trồng và sức khỏe con người”.
Ruộng đồng nhiễm độc
Ở cù lao Chợ Mới của tỉnh An Giang, nơi nổi tiếng với nghề trồng rau màu, chuyện đất đai nhiễm độc cũng đang là vấn đề thời sự đối với nông dân. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, từ năm 1995 toàn huyện Chợ Mới đã xây dựng được 76 tiểu vùng đê bao khép kín 23.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đưa diện tích gieo trồng lên đến 75.000ha/năm với số vòng quay của đất trung bình gần 4 vụ/năm.
Hiện tại nông gia trong huyện đang có xu thế giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích rau màu, bởi lẽ trồng màu có thể thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm, vòng quay khai thác đất lên đến 6-7 vụ/năm trong khi còng lưng trồng lúa ba vụ chỉ thu được 42 triệu đồng/ha/năm.
Nhưng cái giá phải trả cho việc bắt đất đai quay 6-7 vòng sản xuất/năm không nhỏ. Ông Lê Thành Măng, chủ 1,4ha đất vừa trồng màu vừa trồng lúa ở ấp Hòa Trung, xã Kiến An, nói với chúng tôi đất đai những năm qua bị con người khai thác quá mức nên nhiễm độc trầm trọng bởi hàm lượng phân hóa học, vật tư nông nghiệp thẩm thấu trong đất rất cao.
Những người trồng rau màu khác, tình cảnh cũng không khá gì. Trong khi đó ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười dù năng suất lúa vẫn có thể đạt 18 tấn/ha/năm nhưng tình trạng đất đai nhiễm độc do nông dân lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV cũng đang ở mức báo động đỏ.
Nhiều cán bộ ngành nông nghiệp các tỉnh nói trong nhiều yếu tố dẫn đến bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hoành hành trên hàng chục ngàn hecta ruộng lúa ở ĐBSCL trong thời gian qua có một phần do đất đai bị nhiễm độc nặng, không còn màu mỡ, trong lành nên sức đề kháng của cây lúa cũng giảm.
Bó tay với ô nhiễm?
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, trưởng khoa quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ, tình trạng đồng ruộng đang ngày càng nhiễm độc là vấn đề rất đáng quan ngại. Có nhiều yếu tố dẫn đến ruộng đồng bị nhiễm độc, nhưng có thể nói việc các địa phương thi nhau đắp đê bao triệt để trong nhiều năm qua đã làm độ màu mỡ của đất ngày càng giảm, từ đó nông gia ngày càng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV để buộc cây trồng phải cho năng suất cao, ít sâu bệnh là nguyên nhân nổi cộm nhất.
Đê bao ngăn sự trao đổi nước tự nhiên để làm sạch môi trường nên cặn bã, độc chất trong quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người bị lắng đọng, tồn lưu trong đất, gây nhiễm độc đất.
Trong khi đó thạc sĩ Lê Hữu Hải cho rằng lâu nay các nhà khoa học, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương chỉ có thể vận động nông dân ý thức tự giác tiêu hủy bao bì thuốc BVTV và tránh lạm dụng thuốc hóa học để giảm thiểu tác hại đến môi trường sống chứ chưa có bất kỳ biện pháp chế tài nào để xử lý hành vi phát tán bừa bãi chất độc từ thuốc BVTV vào nguồn nước và đồng ruộng nên nhà nông... không sợ.
Theo ông Hải, hiện nay chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào để xác định lượng độc chất từ nguồn phân bón hóa học, thuốc BVTV đang tồn lưu trên đồng ruộng các tỉnh ĐBSCL, nhưng có thể nói mức độ ô nhiễm đang rất nghiêm trọng và muốn tẩy rửa sạch cần phải có thời gian rất dài và số tiền rất lớn.