Băn khoăn
Các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch vụ hè thu sớm. Theo VFA, giá lúa tuần này từ đứng đến giảm nhẹ so với tuần trước, ở mức 4.250 – 4.350 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện 5.650 - 5.750 đồng/kg tùy địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 5.450 – 5.550 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện 6.700 – 6.750 đồng/kg, gạo 25% tấm 6.100 – 6.200 đồng/kg tùy chất lượng.
Huyện Tân Hiệp là một vựa lúa của tỉnh Kiên Giang. Anh Đỗ Anh Tuấn, ngụ tại ấp kinh 5B, xã Tân An, cho biết, giá lúa bình quân nông dân bán từ đầu vụ đến nay là 4.300đồng/kg, nếu tính đầy đủ chi phí, nông dân lời 300-400đồng/kg, không có chuyện lời 30%.
Anh Tuấn làm 6 ha lúa, vụ vừa thu hoạch được 42 tấn, bán giá 4.000đồng/kg, chi phí gồm phân bón khoảng 7 triệu đồng, thuê máy cày xới 1,3 triệu, thu hoạch 2,8 triệu, còn giống, công bơm nước, thuốc trừ sâu, phơi sấy…
Nông dân sống được là nhờ lấy công làm lời, nếu thuê mướn hoàn toàn là lỗ. “Nghịch lý nữa là Nhà nước khuyến khích chúng tôi làm lúa hạt dài để xuất khẩu, nhưng thương lái chỉ mua loại hạt ngắn. Thật chẳng biết làm ăn như thế nào”, anh Tuấn nói.
Ông Lân phân trần, ông có nghe tin trên báo đài là nông dân được Chính phủ hỗ trợ để có lời 30%, với giá mua lúa 4.000 đồng/kg nhưng từ trước tới nay, nơi ông ở chưa từng nhận được tiền bù giá bao giờ. Nông dân làm lúa vẫn “năm ăn năm thua”, có khi lời, có khi bán lúa không đủ bù chi phí. Nếu trời thương, và bà con không mua phải giống, phân kém chất lượng, năng suất đạt 8 tấn lúa tươi/ha là mừng lắm, nếu năng suất chỉ 5 – 6 tấn lúa tươi/ha là buồn.
Cũng theo ông Lân, nông dân làm lúa bây giờ cần nhất là Chính phủ hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Bên cạnh, thuốc trừ sâu, phân bón làm sao chống được hàng giả, hàng kém chất lượng và giá cả ổn định.
Tự bơi
Năm nay, nông dân ĐBSCL lo nhiều hơn chuyện nhiễm mặn, hạn. Ở tỉnh Vĩnh Long, vụ hè thu này, huyện Trà Ôn nằm kề sông Hậu nhưng có 3.000 ha bị nước mặn đe dọa.
Ông Tư Nhựt ở xã Tích Thiện (Trà Ôn) làm 2ha lúa cho biết, ông “phải thức đêm canh con nước để bơm mới cứu được lúa. Trà Ôn mới thu hoạch 1.500ha lúa hè thu sớm, còn khoảng 9.000 ha đang trổ bông. Huyện Vũng Liêm bên cạnh cũng có 3.000 ha ven sông Cổ Chiên bị mặn đe dọa, và 4.000 ha khác thiếu nước ngọt.
Ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều diện tích chưa có đủ nước để sạ lúa hè thu. Diện tích lúa hè thu mới xuống giống được hơn 60.000 ha và vấn đề lớn hơn hạn là đất bị nhiễm mặn, ngộ độc hữu cơ, phèn. Anh Vương Hiệp, cán bộ bảo vệ thực vật xã Trường Khánh, giải thích, năm nay tất cả ruộng ở Trường Khánh bị nhiễm mặn nên phải rửa mặn và xử lý phèn vài lần mới làm được vụ hè thu.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú Lê Văn Sơn cho biết, những vùng không thể bơm được nước thì phải đợi mưa lớn để rửa mặn và xả phèn.
Một số nơi ở tỉnh Sóc Trăng, nông dân mày mò trồng dưa hấu, bí đỏ trên chân ruộng lúa để tăng thu nhập. Huyện Mỹ Tú, mùa này nông dân trồng gần 400ha dưa hấu, bí đỏ. Ông Nguyễn Văn Nguyên ở xã An Ninh cho biết, ông trồng 1,5 công dưa hấu trên chân ruộng lúa lãi 3 triệu đồng, cao gấp 2 lần làm lúa. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng mong Nhà nước hỗ trợ đầu ra cho dưa hấu và bí đỏ chứ “hiện còn bấp bênh lắm”.
Theo VFA, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 10-6, đạt 2.862.681 tấn, kim ngạch 1,295 tỷ USD. Dự đoán xuất khẩu gạo 6 tháng sẽ đạt 3.350.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 300.000 tấn. Trong khi chờ Chính phủ chỉ đạo chủ trương tiêu thụ lúa hè thu cho nông dân và Bộ Tài chính ban hành giá thành sản xuất lúa, VFA đã yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lúa để xuất khẩu. |