Tại hai xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), hơn 30 héc-ta chè chất lượng cao được nông dân liên kết với Công ty TNHH HaiYih để trồng từ những năm 2003, nhưng đến nay nhiều ha chè đã bị nông dân phá bỏ. Ông Trần Như Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường - cho biết, đã có khoảng 40 hộ dân phá bỏ 20 ha chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Tứ Quý…), chuyển sang trồng cà phê, rau vì cây chè không mang lại hiệu quả kinh tế. Cũng theo ông Dũng, công ty thu mua với giá từ 15 - 18 ngàn đồng/kg chè búp tươi - giá này cao hơn giá trong hợp đồng (10 ngàn đồng/kg) nhưng nông dân vẫn không có lãi do chi phí đầu vào quá cao, thậm chí bị lỗ. Chính quyền đã vận động bà con không chặt bỏ chè, tiếp tục tìm hướng giải quyết.
Theo UBND TP Đà Lạt, nguyên nhân các hộ dân phá bỏ chè là do những thắc mắc của các hộ dân, những vấn đề phát sinh trong thời gian dài chưa được các hộ dân và công ty cùng bàn bạc giải quyết để tháo gỡ kịp thời. Trong đó bất cập nhất là ở khâu thu hoạch chè như công ty thu hái chậm so với lịch thu hoạch, quản lý công nhân thu hái chè chưa tốt để xảy ra tiêu cực như đòi tiền bồi dưỡng hái chè của các hộ dân, gây khó khăn trong thu hái chè, thu hái qua loa không hết chè… đã làm giảm phẩm chất và sản lượng chè gây thiệt hại cho những hộ trồng chè...
Theo ông Lin Chin Chuang - Giám đốc Công ty TNHH HaiYih - cho biết, các hộ dân bỏ cây chè vì năm nay giá cà phê có tăng cao so với các năm trước, thu nhập hấp dẫn hơn trồng chè. Bên cạnh đó, nông dân đã không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của công ty, thậm chí còn xịt phân bón lá, thuốc trừ cỏ… ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng chè… Bà Hà Thúy Linh - Phó giám đốc công ty - cho biết thêm, những hộ đã tự ý bỏ cây chè hầu hết đều đang nợ công ty. Ông Lin Chin Chuang phàn nàn: “Công ty đầu tư cho họ, bây giờ họ nói để tự gia công, tự bán như vậy có công bằng không. Muốn thanh lý hợp đồng phải để cho công ty có thời gian tìm nguồn nguyên liệu khác đã chứ”.