Cùng với thời tiết nắng hạn và nạn phân bón kém chất lượng hoành hành, cây chè của tỉnh có diện tích chè cao nhất nước này càng bị thách thức, bởi giá cả chè búp tươi không nhích lên.
Nhiều diện tích chè đang bị chặt hạ
Theo khảo sát tại một số thị trường trong tỉnh, đặc biệt là ở các vùng chè trọng điểm của Lâm Đồng như Bảo Lâm, Bảo Lộc... thì giá chè búp tươi hiện chỉ còn nằm ở mức trên dưới 1.000 đồng/kg; riêng đối với vùng sâu, xa như Lộc Bắc, Lộc Bảo, giá này chỉ còn chưa đến 800 đồng.
"Giá chè bị rớt xuống khá thấp từ đầu tháng 11 năm trước đến nay. Suốt gần nửa năm qua, nhiều hộ gia đình chuyên canh chè ở nhiều địa phương trong tỉnh lâm vào tình cảnh khó khăn vì thu nhập giảm sút" - một cán bộ có trách nhiệm của Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết.
Một hộ nông dân ở Lộc Thắng (Bảo Lâm) cho biết: "Nếu chỉ tính tiền công lao động và công vận chuyển hiện nay thôi thì 1kg chè cũng đã "tụ" đến trên dưới 1.000 đồng/kg rồi. Nếu tính thêm tiền đầu tư ban đầu cho vườn cây và tiền phân bón cho từng vụ thì với giá 1.000 đồng/kg bán ra như hiện nay, nhà vườn chúng tôi bị lỗ nặng".
Vườn chè già cỗi, cộng với giá cả quá thấp là nguyên nhân chính khiến cho hàng loạt vườn chè bị nông dân mạnh tay xóa bỏ để trồng các loại cây trồng khác, với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện chưa có con số thống kê chính xác là cả tỉnh đã có bao nhiêu hécta chè bị xóa bỏ trong vài tháng qua, nhưng theo một cán bộ của Sở NNPTNT ước tính thì con số này hẳn là không nhỏ.
Chỉ tính riêng ở thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm), từ đầu năm đến nay, trong số 400ha chè của thị trấn trước đây, hiện đã bị phá bỏ trên 30% diện tích.
Làm sao để cây chè phát triển bền vững?
Việc làm thế nào để cây chè Lâm Đồng phát triển một cách bền vững quả là điều không dễ dàng. Giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra để cây chè luôn là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng là gì?
Theo ông Phạm S - Phó GĐ Sở NNPTNT - thì vấn đề trước tiên là cần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường của loại sản phẩm này. Lâm Đồng xưa nay được xem là vùng nguyên liệu chè trọng điểm của cả nước với diện tích trên 25.000ha, sản lượng hằng năm đạt con số trên dưới 200.000 tấn - cao nhất nước cả về diện tích (chiếm 25%) lẫn sản lượng (chiếm 27%), nhưng nếu nói về chất lượng sản phẩm thì chè Lâm Đồng vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.
Tất nhiên không thể phủ nhận rằng trong vòng vài năm trở lại đây, cuộc cách mạng về giống và cả kỹ thuật canh tác lẫn việc nâng cao công nghệ chế biến đã có những tác động nhất định đến sản phẩm cuối cùng của sản phẩm trà Lâm Đồng, song như thế vẫn chưa đủ. Diện tích vườn cây được trồng các giống chè cũ, chè kém chất lượng của Lâm Đồng vẫn còn chiếm một tỉ lệ khá lớn - gần 70% trong tổng diện tích.
Theo đề án phát triển cây chè đến năm 2020, Lâm Đồng phấn đấu đưa tổng diện tích cây chè lên 28.000ha; tuy tăng không nhiều so với diện tích hiện có, nhưng điều đáng nói là trong 28.000ha đó, diện tích chè giống mới có năng suất và chất lượng cao chiếm khoảng 55%.
Rồi nữa, cũng cần lưu ý đến thực tế lâu nay, việc "bắt tay" giữa người sản xuất với các doanh nghiệp chưa thực sự mang lại hiệu quả, bởi bên nào cũng đều lo thiệt hơn cho mình trước tiên, chứ chưa tạo thành mối liên kết bền vững.