Cảng cá Vĩnh Lương, một cảng cá nhỏ tại thành phố Nha Trang, những ngày này, mặc dù biển động, nhưng vẫn có khoảng gần 30 tàu cá giã cào vào ra. Trên cầu cảng trở nên náo nhiệt bởi cảnh mua bán hải sản giữa các ngư dân với các thương lái, trong đó có gần mười thương lái người Trung Quốc đang chờ mua hàng.
Loại hải sản nào cũng mua
Lâm Tất Cường, một thương lái khoảng hơn 40 tuổi cẩn thận xem từng sọt cá, và trao đổi với các phụ nữ Việt Nam bằng tiếng Việt. Ông Cường cho biết, quê ở Phúc Kiến, ông sang Vĩnh Lương buôn bán đã được mấy năm nay. “Hàng thuỷ sản của Việt Nam đa dạng, mình mua xô, chất lượng không quan trọng, vấn đề chính là giá cả. Mình phải trả giá kỹ”, ông Cường nói.
Còn A Ty, một thương nhân gần 60 tuổi cho biết, ông qua Việt Nam đã tám năm, cứ mỗi lần tàu về là thương lái Việt Nam báo để ông ra cảng xem hàng. “Hàng sau khi mua thì chuyển về xưởng sơ chế của người Việt ngay gần cảng để họ sơ chế với giá từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, sau đó chuyển hàng bằng xe đông lạnh chở về Trung Quốc qua ngã Lạng Sơn hay Móng Cái”, ông Ty nói. Theo ông Ty, hiện thị trường Trung Quốc rất chuộng cá hố Việt Nam, chở qua bao nhiêu cũng hết. Trong lúc A Ty cùng những người đồng hương đang xem hàng, chị Phạm Thị Kiều, phiên dịch cho A Ty cho biết: “Những thương lái ở đây, có người đã qua Việt Nam gần mười năm. Hầu như người nào cũng biết tiếng Việt để mua bán. Họ mua bán cũng không dễ dàng, nhiều người phải mất từ 3 – 4 năm để học nghề”.
Ông Lê Ngọc Thảo, chủ tàu KH 10509 cho biết: “Tàu về cảng, có thương lái Trung Quốc chờ sẵn, mình cho họ xem hàng và trả giá, ai được thì mình bán. Có họ thì mình bán nhanh. Mấy năm trước, có đợt họ mua cả trăm triệu đồng, rồi họ về nước luôn, không trả. Sau đó, tôi phải nhờ chủ nậu đòi tiền mấy năm mới lấy được”. Tuấn, một đầu nậu người Việt cho biết: “Thương lái Trung Quốc xuống xem hàng, quyết định giá. Sau đó mình lo cân, vận chuyển về giao cho xưởng gia công. Mình ăn đầu cân, vài ngàn đồng một ký, tuỳ loại. Họ thu mua rất nhiều: cá hố, cá lạt, cá chim… ngay cả cá nóc cũng mua. Cá nóc càng độc, họ mua giá càng cao, từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, sau đó chỉ cần về xưởng, họ cho chặt đầu, lột da”.
Coi chừng lợi bất cập hại
Ông Nguyễn Thanh Hậu, phó ban quản lý cảng cá Vĩnh Lương cho biết: “Hiện nay, cảng đang có gần 15 đầu nậu Việt Nam, hầu hết đều tham gia thu mua hải sản cho thương lái Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, sản lượng qua cảng ước đạt hơn 5.500 tấn, trong đó thương lái Trung Quốc thu mua đến 2/3. Nhưng những ngày này, biển động, ít hàng, giá cao, họ lại không mua”. Ông Đỗ Trung Hiệp, trưởng cảng cá Hòn Rớ, phụ trách cảng cá Đại Lãnh cho biết, nhiều chủ đầu nậu Việt Nam bị mất tiền tỉ do thương lái Trung Quốc sau khi chở hàng về nước rồi “một đi không trở lại”. Bây giờ, rút kinh nghiệm, các đầu nậu Việt Nam thu tiền ngay tại cảng.
Ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam, chủ tịch hội Nghề cá tỉnh Khánh Hoà cho biết, các cảng cá tại Khánh Hoà đều có người Trung Quốc vào thu mua, ngay cả cá nóc họ cũng mua. Theo chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Khánh Hoà, chỉ khoảng 40 – 50% thuỷ sản đủ tiêu chuẩn để doanh nghiệp Việt Nam thu mua. Ông Lăng cho rằng, doanh nghiệp trong nước không mua được nguyên liệu, còn ai không có vốn thì lại đi gia công cho thương lái Trung Quốc. “Về tổng thể thì không có lợi. Họ vào sân chơi của mình rồi. Việc thu mua này, về lâu dài sẽ gây khủng hoảng nguyên liệu cho ta, sắp tới có khi họ lại xuất ngược nguyên liệu cho ta”, ông Lăng nói.
Tương tự, ông Phạm Xuân Nam, giám đốc công ty cổ phần Đại Thuận, doanh nghiệp chuyên chế biến cá đuối xuất khẩu khẳng định: “Việc thương lái Trung Quốc thu mua hải sản sẽ ảnh hưởng cho chúng ta, bởi vì, một khi họ đã thao túng được thị trường, thì lấy gì để đảm bảo rằng thương nhân Trung Quốc sẽ vẫn còn thu mua hải sản của ngư dân mình với giá cao?”
Theo SGTT