Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ba bộ có ý kiến trái chiều về thuế xuất khẩu cao su
05 | 10 | 2011
Phương án đánh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su của Bộ Tài chính đang xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược từ các đơn vị được tham gia đóng góp cho dự thảo.

Cuối tháng 7, Bộ Tài chính có văn bản gửi các đơn vị có liên quan xin ý kiến đóng góp cho dự thảo đánh thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng cao su. 7 trong số 15 đơn vị lấy ý kiến đã gửi văn bản đóng góp với nhiều quan điểm trái ngược.

 

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị áp thuế 5% đối với mủ cao su, cao su tự nhiên thuộc nhóm 4001 và cao su tổng hợp thuộc nhóm 4002. Riêng 2 loại cao su tái sinh (nhóm 4003) và cao su hỗn hợp (nhóm 4005), Bộ Tài chính đề nghị không thu thuế xuất khẩu với lý do các sản phẩm này trong nước sử dụng rất ít.

 

Đóng góp cho dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Luật thuế Xuất nhập khẩu năm 2005, Nghị quyết của Quốc hội cùng các văn bản đi kèm đều quy định mức thuế 0-20% chỉ áp dụng đối với nhóm cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa két và các sản phẩm tương tự ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá, dải thuộc mã 4001. Vì vậy việc áp dụng thuế 5% đối với cao su tổng hợp thuộc mã 4002 là chưa phù hợp. Đối với nhóm 4001, cơ quan này nhất trí với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính nhưng mức thuế cần hợp lý.

 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương có quan điểm ngược lại. Cơ quan này nhất trí với Bộ Tài chính nên quy định thuế xuất khẩu đối với cao su tổng hợp thuộc mã 4002 ở mức 5%. Còn đối với cao su tự nhiên thuộc nhóm 4001, Bộ Công Thương đề nghị trước mắt chưa thu thuế để tránh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng này.

 

Bác lại cả 2 quan điểm trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra dẫn chứng về quy hoạch phát triển ngành này đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Bộ Nông thôn cho biết chủ trương của Chính phủ xác định chỉ tiêu phát triển đến năm 2015, diện tích cao su đạt 800.000 ha, sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn. Đi kèm với kế hoạch này là các chính sách ưu đãi, trong đó có việc không thu thuế xuất khẩu.

 

Hiện nay, mủ cao su sơ chế của VN sản xuất ra chủ yếu vẫn để xuất khẩu, các nhà máy chế biến trong nước mới tiêu thụ khoảng 18%. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị không thu thuế đối với cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp thuộc 2 mã 4001 và 4002.

 

Về phía Tổng công ty Cao su VN - đơn vị chiếm 40% diện tích và sản lượng của cả nước cũng cho rằng chưa thu thuế đối với cao su và mủ cao su tự nhiên thuộc nhóm 4001 nhưng có thể áp thuế 5% đối với mặt hàng cao su tổng hợp thuộc nhóm 4002 và mức 3% áp dụng đối với cao su hỗn hợp thuộc nhóm 4005.

 

Hai đơn vị là Hiệp hội Cao su Việt Nam và UBND tỉnh Đăk Lăk - nơi tập trung diện tích cao su lớn cũng có những quan điểm khác. Riêng UBND tỉnh Thanh Hóa là đồng tình với dự thảo thuế của Bộ Tài chính.

 

Trước các ý kiến trái ngược này, Bộ Tài chính đang xây dựng biểu thuế xuất mới với mức dự kiến 3% áp dụng đối với cao su thiên nhiên thuộc nhóm 4001 và cao su hỗn hợp thuộc nhóm 4005. Mức 5% áp dụng đối với cao su tổng hợp thuộc nhóm 4002. Các phương án này tiếp tục được gửi tới các đơn vị liên quan để lấy ý kiến.

 

Theo Hồng Anh

Vnexpress


Báo cáo phân tích thị trường