Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cà phê: Người mua túc tắc chờ giá rẻ
14 | 10 | 2011
Bốn năm cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đã đem mưa nhiều về các vùng trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông nam bộ hơn cả nửa tháng nay. Thiếu nắng, trái cà phê vẫn còn xanh lè, chưa chịu chín. Trong khi giá cà phê thế giới và trong nước đang xập xình lên xuống thất thường ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo một số nhà nông có kinh nghiệm, phải cần ít nhất bảy đến mười ngày nắng liên tục, trái trên cây ướm được nắng, kích nhanh quá trình chín. Một khi vỏ trái chuyển sang màu vàng rồi màu đỏ, bấy giờ mới có thể bắt đầu thu hái nhiều được.

Thu hoạch chậm vì mưa nhiều

Anh Sỹ, một nhà vườn tại Bảo Lộc, Lâm đồng tâm sự: “Thứ Ba và thứ Tư tuần này có chút nắng, tôi tưởng sẽ có nắng tiếp, rất mừng. Nhưng đến hôm qua ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đã làm trời âm u và mưa lại về. Kiểu này chắc phải đến cuối tháng 11 cà phê mới ra được quá!” .

Không chỉ riêng ở Lâm đồng, tại Dak Lak và Gia Lai, tình hình vẫn không khá hơn. Anh Nguyễn Hoàng Dũng tại huyện Cư’ Mgar cũng xác nhận rằng “cà phê nếu có chăng, phải đến 20/11 mới mong hái rộ”.

Trước đây, có rất nhiều thông tin đoán rằng cà phê sẽ có thể được tung ra thị trường vào trung tuần tháng 10. Song, các dự đoán ấy đến nay đều sai lạc. Trong nhiều vụ mùa trước đây, khi có tin thời tiết thất thường, sai với dự kiến, giá bấy giờ tăng ào ạt, không chỉ giá thị trường kỳ hạn robusta Liffe “chớp lòe” theo từng giây đồng hồ trên máy tính, mà giá chênh lệch so với Liffe của các hợp đồng giao sau hay còn hay gọi là “trừ lùi” cũng được nâng lên đáng kể, để từ đó giúp giá nội địa cao vì thiếu hàng giao cho các hợp đồng trót ký.

Hôm qua 13/10 tức rạng sáng 14/10 giờ Việt Nam, giá kỳ hạn robusta Liffe giao tháng 1-2012 đóng cửa chốt mức 2.004 đô la/tấn, tăng 54 đô la. Đây là lần đầu tiên trong tuần giá Liffe vượt qua mức 2.000 đô la/tấn. Nhờ vậy, sáng hôm nay, giá cà phê nội địa trên các tỉnh Tây Nguyên quay về lại mức 42.500 đồng, bằng mức đầu tuần sau khi giảm xuống cận mức 40.000 đồng/kg vào giữa tuần.

Giá xập xình

Thị trường hiện nay không xảy ra như thế, mà có khi đi ngược lại. Giá thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe hầu như không mấy quan tâm đến thời tiết xấu đang xảy ra ở Việt Nam, quốc gia trồng cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Nếu như ngày đầu vụ mới 2011/12, giá TTKH đóng cửa còn trên mức 2.000 đô la/tấn, thì nay cứ xuống dần một cách đáng ngại. Giá TTKH có khi xuống chỉ còn chung quanh mức 1.900 đô la/tấn, mất cả trên 750 đô la so với đỉnh cao lập vào tháng 3/2011, và mất 600 đô la so với ngày 1/7.

Giá xuất khẩu, tuy có ảnh hưởng tốt đôi chút, vẫn tăng không đáng kể. Giá chào mua FOB cho hàng loại 2, 5% đen vỡ giao tháng 12-2011 đang chung quanh mức trừ 50-60 đô la/tấn dưới giá TTKH Liffe, cao hơn 50 đô la so với cách đây chừng một tháng và chừng 10-20 đô la/tấn cách đây mươi ngày.

Để giải thích cho hiện tượng này, trước hết có thể nói rằng nhu cầu mua hàng của các hãng rang xay hiện nay tỏ ra chưa cấp bách. Song, nếu tính lượng xuất bán mới cho 3 tháng 8,9 và 10, hàng đi rất mỏng: 2 tháng cuối vụ chừng 70 ngàn tấn và ước tháng 10 này chứng 40-50 ngàn tấn. Như vậy, so với cùng kỳ, có thể nói lượng giảm có khi từ 30-40%.

Trong khi đó, đáng ra, châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nước tiêu thụ chuẩn bị vào mùa rét, rất cần hàng để rang bán. Song, hiện nay, họ vẫn im re, chưa động tĩnh. Một số người có kinh nghiệm cho rằng có thể trước đây, khi giá tăng mạnh, các lò rang sợ giá tăng tiếp, đã mua sẵn hàng giá cao. Nay, họ cứ miệt mài chờ cho đến khi bên xuất khẩu bán hàng rẻ, họ mới mua. Bằng không, họ vẫn bằng lòng sử dụng tồn kho sẵn có.

Bên cạnh đó, lượng tồn kho có giấy xác nhận chất lượng Liffe vẫn còn đến gần 370.000 tấn tính đến đầu tháng này, đang còn nằm rải rác tại các kho châu Âu, có thể giúp họ giải quyết những nhu cầu trước mắt nếu bên bán đòi giá cao.

Mặt khác, với tình hình khủng hoảng nợ hiện nay tại châu Âu, không phải các nhà kinh doanh (traders) nào cũng dễ chạy được tín dụng để mua hàng nhiều như trước. Đồng thời, ở trong nước, các nhà xuất khẩu cũng phải chật vật đi tìm tín dụng; đôi khi có tín dụng rồi, cũng không chắc cân đối được hai đầu vào - ra do lãi suất quá cao. Chính điều này cũng cản trở không ít dòng chảy hàng hóa tự nhiên của thị trường.

Còn một điều nếu không nói chắc sẽ thiếu là: trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, có thể cà phê hạt là thứ tạo nên nhiều rủi ro nhất. Khi thua lỗ, chúng ta thường đổ thừa cho việc thiếu thông tin, thiếu vốn liếng v.v…nhưng vẫn chưa thấy ra rằng ngành hàng này vẫn chưa đủ độc lập, tự tin để tạo thị trường, tạo giá cho hạt cà phê mình làm ra.

Hãy nghĩ xem, từ đầu vụ đến nay, số phận hạt cà phê đều “run” theo các phát biều của chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) , hay thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet khi ông này nói cứu đồng euro, ông kia nói vớt đồng đô la…thế là giá cà phê lên xuống liên hồi.

Thực ra, không phải do các ông ấy nói, nhưng đầu cơ trên thị trường tài chính đã diễn giải, vạch đường theo chủ ý của mình để tạo giá cà phê trên các thị trường kỳ hạn. Vì vậy, dù một nhà phân tích thị trường có tài ba đến mấy, người viết cam đoan rằng ông ta cũng không thể chứng minh được đâu là mối quan hệ về giá trên TTKH với giá hạt cà phê của anh nông dân ở huyện Đak Đoa ở Gia Lai xa xôi.

Với tình hình trên, sẽ là một đòn cân não cho thị trường cà phê sắp tới: sản lượng lớn, hàng ra trễ, số lượng tập trung ở thời điểm cận Tết Nguyên đán (Tết sẽ rơi vào tuần cuối tháng 1-2012), nông dân cần bán hàng ăn Tết, các nhà xuất khẩu chạy kế hoạch cuối năm, ngân hàng thu nợ, giá dao động thất thường làm chồn chân nhà xuất khẩu…

Tất cả những điều này dẫn đến hiện tượng sức ép bán ra số lượng nhiều và tập trung. Trên thương trường, đó chính là miếng mồi ngon khó ai chịu bỏ sót.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường