Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người nuôi cá tra: Không hề có chuyện thiếu cá nguyên liệu
28 | 10 | 2011
Không hề có chuyện thiếu cá tra nguyên liệu, mà những thông tin thiếu cá tra xuất phát chủ yếu từ các doanh nghiệp chế biến, đây là nhận định của nhiều người nuôi cá tra ở An Giang.

Theo những người nuôi cá mà người viết đã gặp thì nhờ chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ trước - khi giá cá nguyên liệu xuống chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg (tháng 7, tháng 8) - nên giờ nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sẵn sàng “tung tin” không dám ký hợp đồng xuất khẩu vì thiếu cá tra nguyên liệu.

Tuy nhiên, đây chỉ là “chiêu” được các doanh nghiệp thường xuyên áp dụng để ký hợp đồng xuất khẩu với giá cao mà không phải người dân nuôi cá tra nào cũng biết.

Có thật là thiếu cá?

Thực tế cách đây không lâu - khi các nước thuộc liên minh Châu Âu (EU), Mỹ bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu nhập khẩu cá tra philê ở những thị trường này giảm mạnh. Lúc này, hàng loạt doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra trong nước lấy cớ này làm “nũng” đối với người nông dân, làm giá cá nguyên liệu sụt giảm xuống mức giá chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg (thấp hơn giá thành tạo ra 1 kg cá nguyên liệu từ 1.000 - 2.000 đồng).

Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), thời điểm đó, chỉ riêng cá tra quá lứa (có trọng lượng 1kg/con trở lên) ở khu vực các tỉnh ĐBSCL có đến 30.000 tấn không tiêu thụ được.

Cá nguyên liệu giảm mạnh, trong khi nông dân lo sốt vó thì doanh nghiệp cứ ung dung từ chối thu mua với lý do “không ký được hợp đồng xuất khẩu, các nước nhập khẩu ngưng nhập cá tra quá lứa, nhà nhập khẩu chỉ thích cá tra cỡ nhỏ …”. Lúc này, Vasep - cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam “ra tay” vận động các doanh nghiệp “cứu giúp” nông dân nuôi cá bằng việc vận động doanh nghiệp hội viên mua cá quá lứa, cá cỡ lớn cho nông dân với giá thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) - đại diện cho người nuôi cá tra ở An Giang cho biết, việc làm này giúp các doanh nghiệp vừa được “tiếng thơm” là đã ra tay giúp nông dân tiêu thụ hết cá quá lứa, vừa làm đúng chủ trương của nhà nước là thực hiện cam kết mua hết cá tra quá lúa cho nông dân.

Tuy nhiên, đây chỉ là một “bài toán” đã được các doanh nghiệp vạch ra sẵn nhưng không phải người nuôi cá cũng biết.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên AFA cho biết: “Thực ra đây chỉ là “chiêu” được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản áp dụng nhằm mua cá của nông dân với giá rẻ trữ vào kho đông lạnh, chờ nhu cầu của các nước EU, Mỹ tăng lên để chế biến xuất bán”.

Ông Lê Chí Bình cũng khẳng định: “Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản không hề thiếu nguyên liệu để xuất khẩu, bởi vì khi cá tra nguyên liệu xuống thấp ở thời điểm trước đó, họ (các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu) đã gom nguyên liệu trữ vào kho đông lạnh hết rồi. Động thái than thiếu nguyên liệu của họ hiện nay là để tạo cớ để được xuất khẩu cá tra philê ra nước ngoài với giá cao hơn 20 - 25% mà thôi”.

Nhu cầu cá nguyên liệu không cao như dự kiến

Kể từ đầu tháng tháng 9 đến nay, sau kỳ nghỉ hè của các nước EU, Mỹ, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại những thị trường này đã tăng mạnh trở lại. Các nhà nhập khẩu sẵn sàn trả giá cao hơn 20-25% so với mức giá trước đây để mua cá phục vụ nhu cầu cho dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Điều này đúng ý đồ về bài toán nguyên liệu được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước vạch ra.

Một câu hỏi được ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên AFA đưa ra: “Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam than nguồn nguyên liệu cá tra khan hiếm, nhưng tại sao giá nguyên liệu lại tăng rất ít?”.

Ông Nguyên cho biết, tại An Giang, cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 0,8-1 kg/con trở xuống) hiện được nhà máy thu mua chỉ 27.200- 27.500 đồng/kg, mà giá 27.500 chỉ nghe nói chứ chưa hộ nào bán được với giá đó, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức giá 29.000 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6.

Ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp An Hòa, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, so với mức giá kỷ lục hồi tháng 6, hiện cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp thấp hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Cụ thể, cá tra thịt trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ 27.000-27.500 đồng/kg (tùy nơi), các loại khác dao động từ 25.000-26.500 đồng/kg (tùy loại).  

Theo ông Bình, dù giá cá tra nguyên liệu đã tăng lại trong thời gian gần đây nhưng khó mà đạt mức giá kỷ lục 29.000 đồng/kg được xác lập vào thời điểm tháng 6, vì thực thế nhu cầu cá tra nguyên liệu của các doanh nghiệp không cao như dư luận lên tiếng.

Theo Trung Chánh

TBKTSG

 

 



Báo cáo phân tích thị trường