Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản phẩm cao su xuất khẩu cần được tinh chế
26 | 11 | 2011
Đến hết tháng 9/2011, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu được 530.000 tấn cao su, trị giá 2,27 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và tăng 60% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Giá cao su SVR 3L bình quân trong tháng 9 là 4.452 USD/tấn, giảm 2,6% so với tháng trước.
Trước đây, các mặt hàng chỉ sợi cao su tự nhiên ở nước ta chủ yếu nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, tuy nhiên, gần đây các DN sản xuất chỉ cao su tự nhiên trong nước đã chiếm ưu thế cả trong thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện, có đến 90% lượng chỉ sợi cao su sản xuất trong nước được xuất khẩu, từ sợi buộc tóc đến sợi dây thun dùng trong công nghiệp, ngành y tế, thực phẩm đã được xuất sang các nước Nhật Bản, Pháp, Italia…
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu cao su chính của Việt Nam, chiếm 60% tổng kim ngạch và lượng xuất khẩu trong 3 quý đầu năm, với 321.300 tấn, trị giá 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su trong tháng 9 sang thị trường này lại giảm cả về lượng và trị giá so với tháng trước đó (giảm 10,83% về lượng và 7,15% về trị giá).
Phương thức xuất tiểu ngạch qua mậu biên vẫn chiếm tỷ lệ lớn, gần 50%, nên những chính sách quản lý mậu biên của Trung Quốc có tác động lớn đến lượng xuất khẩu và giá cao su của Việt Nam. Từ đầu tháng 8/2011 đến tháng 9/2011, Trung Quốc áp dụng những biện pháp hành chính nhằm hạn chế DN nhập khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam qua cửa khẩu Lục Lầm (Móng Cái - Quảng Ninh) và La Phù (Đông Hưng, Quảng Tây), làm giảm đáng kể lượng cao su xuất khẩu đường tiểu ngạch và giá cao su giảm xuống còn dưới 27.000 NDT/tấn vào cuối tháng 9.
Theo một số DN, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc năm 2011 vẫn cao, tuy nhiên, việc ngân hàng Trung Quốc không cấp hối phiếu cũng làm cho giao dịch hai bên bị hạn chế. Để có hối phiếu, nhiều DN Việt Nam phải chấp nhận trả phí dịch vụ khá cao.
Đứng thứ hai sau thị trường Trung Quốc là Malaysia, đến hết tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 39.500 tấn cao su sang thị trường này, trị giá 169,5 triệu USD, chiếm 7,4% tỷ trọng. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu cao su sang Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canađa…
Mặc dù có nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào, song các sản phẩm cao su xuất khẩu của nước ta chủ yếu dưới dạng sản phẩm sơ chế, nguyên liệu thô như SVR CV60, SVR CV50, SVRL, SVR 3L…, giá bán trên dưới 5 USD/kg, trong khi nếu chuyển sang sản xuất sản phẩm tinh chế thì giá trị có khả năng tăng gấp 3 lần. Nếu gia tăng chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm tinh chế từ cao su, sản phẩm gia dụng, công nghiệp… thì giá trị xuất khẩu của ngành cao su không dừng lại ở mức 3,6 tỉ USD như hiện nay.
Công ty Cao su Đắk Lắk là DN đầu tiên trong ngành đã đầu tư trên 10 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chỉ sợi cao su tự nhiên, với máy móc thiết bị công nghệ hiện đại có công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm. Nguyên liệu sử dụng chính là mủ cao su ly tâm do DN sản xuất. Sản phẩm chỉ sợi cao su tự nhiên của DN chủ yếu phục vụ trong ngành công nghiệp may mặc, với 90% sản phẩm dùng để xuất khẩu. Trước nhu cầu sản phẩm chỉ sợi cao su thế giới ngày càng cao, DN đã định hướng tăng sản xuất sản phẩm tinh chế, giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị công nghiệp từ cao su tự nhiên, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Mới đây, DN này đã quyết định thực hiện dự án sản xuất chỉ sợi cao su tự nhiên với công suất ban đầu 2.500 tấn/năm. Dự án được hợp tác đầu tư bởi Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Cao su Đắk Lắk, Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bến Thành. Đây là mô hình hợp tác khép kín, từ khâu cung cấp nguyên liệu của Công ty Cao su Đắk Lắk đến việc bảo đảm kỹ thuật, con người của CNS và Vinatex bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Dự án có vốn đầu tư trên 260 tỷ đồng, sẽ được triển khai trong năm 2012.
Việt Nam là nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn thứ 4 thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm 2011 ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 50% so với năm trước. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cao su hiện nay chủ yếu vẫn dưới dạng sơ chế, nguyên liệu thô nên giá trị xuất khẩu thấp, do đó hiệu quả kinh tế của ngành chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới, thị trường cao su thế giới tiếp tục có xu hướng tăng, duy trì ở mức 5 USD/kg những tháng cuối năm 2011 và có thể tăng lên 5,1 USD/kg trong năm 2012.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường