Trong tuần qua nhiều nông dân ở các xã Trường Xuân, Trường Thành, Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) ra chợ mua phân bón cho vụ lúa HT sớm, ngạc nhiên trước cảnh phân urê sốt giá, trong khi các loại phân khác NPK vẫn chưa tăng. Chị Hòa, nông dân xã Trường Xuân cho biết: Mấy chủ cửa hàng thân quen nói hàng về ít, chờ thêm đôi ba ngày tới có thể giá giảm. Nhưng lúa tới đợt bón phân nông dân khó lòng chờ đợi được.
Không riêng nông dân Cần Thơ, giới chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp cấp 2 ở các tỉnh có vùng lúa HT sớm tâm trạng bồn chồn trước tình hình phân urê tăng đầu vụ. Anh T - một chủ cửa hàng buôn bán phân bón, là đại lý cấp 2 bên dòng kênh xáng Xà No, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, mỗi năm bán hơn 3.000 tấn phân các loại cho nông dân quanh vùng, nói: "Riêng vụ HT tôi bán ra 500-700 tấn phân urê. Hồi giữa tháng 2/2012, phân urê Phú Mỹ ổn định giá với mức thấp. Từ đại lý cấp 1 giá 480.000-490.000 đồng/bao (50kg) đưa hàng về đại lý cấp 2 giá 500.000-510.000 đồng/bao.
Theo đó, phân urê TQ khoảng 490.000-500.000 đồng/bao. Tuy nhiên chỉ trong tuần qua, phân urê Phú Mỹ tăng giá lên 530.000-535.000 đồng/bao, tăng 30.000-35.000 đồng/bao. Thấy vậy, dân đại lý cấp 2 thăm dò tình hình, hiện nay không có tình trạng quá đỗi khan hàng. Vì một số đại lý cấp 1 vẫn có hàng, nhưng chẳng hiểu tại sao gọi điện đặt hàng có một vài chủ không muốn bán. Tương tự phân urê TQ cũng “ăn theo” tăng giá. Trong khi nông dân cần mua hàng. Cái khó cho nông dân lúc này là bán lúa giá thấp, nhưng phân lại tăng".
Qủa là trái với dự đoán hồi đầu năm, nguồn cung phân bón dồi dào và dự báo giá cả tương đối ổn định. Trong năm 2012, dự báo nước ta chủ động nguồn sản xuất phân Urê ổn định với tổng sản lượng gần 2,6 triệu tấn/năm. Phân DAP cân đối sản xuất đủ 50% trong nhu cầu cả nước khoảng 650-700 ngàn tấn/năm. Phân lân sản xuất gần 1,7 triệu tấn, cân đối đủ 80% nhu cầu và phân kali nhập khẩu khoảng 700.000 tấn/năm. Riêng ĐBSCL, nhu cầu phân urê khoảng 800.000 tấn/năm; DAP 350.000 tấn/năm; NPK 650.000-700.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, một DN trong ngành phân bón phân tích: Nếu tính trên tổng công suất phân urê các nhà máy đạm Hà Bắc 200.000 tấn/năm, Phú Mỹ 800.000 tấn/năm, còn lại 2 nhà máy đạm Cà Mau 800.000 tấn/năm và đạm Ninh Bình 560.000 tấn năm vừa mới đưa vào hoạt động. Như vậy, sản lượng tạo nguồn cung nhất thời có thể chưa đáp ứng. Mặt khác, dân kinh doanh phân bón ở ĐBSCL chưa ai khẳng định có hay không hiện tượng găm hàng tạo giá sốc. Có ý kiến đưa ra giả thiết, sau 2 tháng đầu năm tình trạng phân bón bán ra chậm. Một lượng phân urê có DN lỡ ký XK nên hiện thời hụt nguồn cung. Bởi thế, một số DN nhập nguồn phân urê từ TQ về, đưa vào các tỉnh phía Nam chi phí vận chuyển cao nên đội giá bán tăng lên dịp này.
Hiện nay ở ĐBSCL một số địa phương chủ động được nguồn nước, vừa thu họach xong lúa ĐX, nông dân đã chủ động gieo sạ lúa HT sớm. Tại Cần Thơ, Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, hiện lúa ĐX thu hoạch gần dứt điểm, vụ HT dự kiến có hơn 80.000 ha. Tiến độ xuống giống hiện nay có hơn 60.000 ha. Nhiều vùng lúa đã lên xanh có nhu cầu sử dụng phân bón đầu vụ. Sắp tới, vụ lúa HT toàn vùng ĐBSCL có hơn 1,5 triệu ha. Ông Trịnh Trí Tiên, Phó Giám đốc Cty Phân bón hóa chất Cần Thơ nhận xét: Nhu cầu phân bón vụ HT chỉ đang ở giai đoạn đầu vụ, phân NPK chưa tăng giá. Phân urê khan hàng nên giá tăng. Nếu tình hình phân urê tăng kéo dài khoảng 1 tháng thì phân NPK có thể sẽ tăng theo.
+ Theo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty cổ phần (PVFCCo – Đạm Phú Mỹ), thực tế thói quen của nông dân ĐBSCL thường bón phân nhiều hơn yêu cầu hoặc khuyến cáo kỹ thuật khoảng 10 – 20%. Gần đây do các loại phân trộn, phân hỗn hợp bị làm giả nhiều nên nông dân trong vùng có xu hướng chuyển sang dùng phân đơn. Do đó nhu cầu các loại phân đơn hiện nay của ĐBSCL khá lớn.
+ Năm 2010, Đạm Phú Mỹ cung cấp hơn 300 nghìn tấn phân bón các loại cho ĐBSCL, chiếm khoảng 38% thị phần. Trong đó, phân urê Phú Mỹ bán ra đạt hơn 200 nghìn tấn, chiếm 37% thị phần thị trường phân urê ở ĐBSCL.
|