Hiện tại Trung Quốc đã là nước nhập khẩu đậu tương và bông vải lớn nhất thế giới, đồng thời Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ ngô lớn vào hàng thứ hai trên thế giới và ngày càng tăng lượng đường nhập khẩu từ nước ngoài. Các số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, sau khi gia nhập WTO vào năm 2001, lượng nhập khẩu đậu tương ở nước này cũng đã bắt đầu tăng dần. Niên vụ 2010-11, lượng nhập khẩu đậu tương đã đạt mức kỷ lục là 54,8 triệu tấn tương đương 80% lượng tiêu thụ nội địa. Trung Quốc hiện cũng đã trở thành nước nhập khẩu ròng ngô, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Không chỉ thiếu nông sản, Trung Quốc cũng đang phải nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà từ các thị trường nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn trong nước. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2011 lượng nhập đã lên tới 400,123 tấn thịt lợn, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2010. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo, cùng với việc dân số tăng trưởng và kinh tế được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên, nhu cầu nhập khẩu thịt trong những năm tới đây của Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh.
Trước diễn biến trên quay trở lại Việt Nam, Trung Quốc hiện là một thị trường trọng điểm, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch hai chiều năm 2011 đạt 35,7 tỷ USD( tăng 30,7% so với năm 2010), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 11,1 tỷ USD, tăng 52,2% và nhập khẩu đạt 24,6 tỷ USD tăng 22,8%. Với một thị trường tiềm năng lớn như vậy, Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển những mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, hoa quả nhiệt đới, các loại hạt và gia vị, cà phê, chè, gạo, thuỷ hải sản…Song để tiếp cận và kinh doanh thành công tại Trung Quốc, một thị trường với 1,3 tỷ dân đầy sức mạnh rủi ro cao cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tham khảo : http://www.beijingforum.org/html/folder/1-1.htm