Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giữ thị trường xuất khẩu nông sản
12 | 04 | 2012
Xuất khẩu nông sản là một thế mạnh của Việt Nam nhưng ngày càng có nhiều thị trường nhập khẩu lên tiếng về chất lượng sản phẩm, thậm chí cảnh báo ngừng nhập khẩu nếu vẫn tiếp tục vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, các DN cần kiểm tra sản phẩm và sớm có biện pháp xây dựng vùng sản phẩm chất lượng cao.

Nhiều khả năng mất thị trường

 

Việt Nam là một thị trường dồi dào về nguồn hàng và có thế mạnh xuất khẩu nông sản. Năm 2011, xuất khẩu nông sản đã đạt tốc độ tăng trưởng lẫn kim ngạch kỷ lục, tăng 33,2% so với năm 2010, kim ngạch đạt 13,7 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường các nước bắt đầu đưa ra hàng loạt cảnh báo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm của Việt Nam.

 

Việc gần 600 tấn mật ong Việt Nam bị cơ quan Dược phẩm Hoa Kỳ trả lại do nhiễm chất carbenzamin (thuốc trừ nấm) dù tiêu chuẩn kiểm dịch được cho là quá khắt khe và vô lý nhưng cũng là hồi chuông báo động về nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này trong thời gian tới.

 

Trước đó, mật ong Việt Nam đã bị thị trường Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu do không tương đồng về pháp lý và giám sát an toàn.

 

Song song đó, các nhà xuất khẩu trái cây cũng đang trong tình trạng khó khăn không kém trước những tiêu chuẩn của sản phẩm nhập khẩu tại các thị trường lớn. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, gần đây trái cây trên thị trường đang có xu hướng giảm giá mạnh do các nước EU đã ngừng nhập khẩu trái cây Việt Nam vì không đáp ứng được những tiêu chuẩn Global GAP.

 

Ông Nguyễn Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Minh Giang, cho biết Việt Nam có lợi thế về các loại trái cây nhiệt đới, được các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng xuất khẩu đã sụt giảm mạnh, trái cây Việt Nam chỉ còn trụ lại ở một số thị trường như Thái Lan, Trung Quốc.

 

Ở các thị trường còn lại, DN đang khó khăn trong việc đàm phán xuất khẩu, thậm chí mất gần 50% hợp đồng xuất khẩu so với năm trước do các thị trường đều đòi hỏi trái cây xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn Global GAP trong khi diện tích canh tác theo tiêu chuẩn GAP ở Việt Nam còn rất hạn chế.

 

Sắp tới, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khi Ủy ban châu Âu cảnh báo nếu phát hiện Việt Nam có thêm 2 trường hợp lô hàng xuất khẩu rau quả vi phạm các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, thị trường EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng này từ Việt Nam.

 

Bắt đầu từ năm nay, quy trình kiểm tra sản phẩm hàng hóa của các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được chuyển từ Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Theo đó, những biện pháp kiểm tra khắt khe sẽ được triển khai, nếu vi phạm quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan này có quyền thu hồi sản phẩm và áp phí cho chủ hàng xuất khẩu sản phẩm này.

 

Giải pháp cấp thiết

 

Trước các rào cản đang được dựng lên, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu của sản phẩm Việt Nam không còn quá xa. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, chế biến trong nước lại còn tồn đọng quá nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để.

 

Từ khi Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 về xuất khẩu mật ong ở châu Á, mật ong trở thành nguồn khai thác bất chính của một số đối tượng, dẫn đến xuất hiện nhiều lô hàng xuất khẩu chứa dư lượng thuốc kháng sinh vượt mức cho phép, thậm chí có lô hàng xuất đi là mật ong pha đường, mật ong giả gây mất uy tín cho các DN kinh doanh chân chính.

 

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Giám đốc Công ty Ong Trung ương, dù có một số quy định kiểm dịch hàng hóa chưa hợp lý ở các nước nhưng trước mắt, muốn giữ thị trường, lấy lại uy tín cho mặt hàng mật ong, các DN phải nỗ lực kết nối với người nuôi ong, nghiên cứu chất thay thế thuốc trừ nấm nhằm tạo ra những sản phẩm sạch và đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất để tránh tình trạng bị trả hàng gây mất uy tín cho toàn ngành. Song song đó, nghiên cứu đề xuất các cơ quan chức năng làm việc với các thị trường nhập khẩu về những tiêu chuẩn chưa hợp lý đang áp dụng.

 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), cho biết trước nhiều nguy cơ đang đe dọa đến xuất khẩu nông sản, NAFIQAD đã đề ra mục tiêu giải quyết tình trạng hàng kém chất lượng xuất khẩu ra nước ngoài bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để không phải rơi vào tình trạng bị cấm xuất khẩu tại các thị trường lớn.

 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành trao đổi với một số thị trường để giảm bớt những quy định chưa hợp lý đối với mặt hàng nông sản Việt Nam. Hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu hải quan phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch thực vật.

 

Tuy nhiên, để phát triển lâu dài và bền vững, các DN nên tìm cách liên kết, chuyển giao công nghệ nuôi trồng đến các hộ nông dân. Đồng thời, các DN phải cập nhật, nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng trong khâu chế biến để hoàn thiện sản phẩm.

 

Đây là những vấn đề cần giải quyết rốt ráo, bởi nếu thị trường EU cấm nhập khẩu các sản phẩm rau quả Việt Nam thì chúng ta không chỉ mất thị trường ở nước này mà còn đánh mất cả uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường