Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất NN năm 2012: Tập trung nâng giá trị gia tăng những sản phẩm chủ lực
31 | 12 | 2011
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song năm 2011 ngành nông nghiệp đã giành thắng lợi kép cả trên mặt trận sản xuất và xuất khẩu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm 2012, ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 2,5-2,6% theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng gắn với thực hiện tái cơ cấu, phát triển bền vững.
Năm của kỷ lục
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, hết lo chống rét lại tới chống nóng, đầu năm xảy ra hạn hán ở miền Bắc, cuối năm lại dồn dập lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển khá toàn diện, đời sống phần lớn dân cư nông thôn được cải thiện. Đặc biệt, sản lượng lúa cả nước vẫn đạt 42,3 triệu tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa sản lượng gạo xuất khẩu lên gần 7,2 triệu tấn. Như vậy, so với năm 2010, sản lượng lúa năm 2011 tăng thêm 2,3 triệu tấn, đem lại hơn 12.000 tỷ đồng (tính theo giá trị xuất khẩu). Đây là mức tăng kỷ lục và đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào mục tiêu bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong khi đó, trên mặt trận xuất khẩu, nông nghiệp tiếp tục giành thắng lợi lớn cả về sản lượng lẫn giá trị. Tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 25 tỷ USD, tăng 29% (5 tỷ USD) so với năm 2010. Thặng dư thương mại đạt trên 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu của cả nước. Đặc biệt, trong năm qua, nước ta ghi nhận có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là thủy sản (6,1 tỷ USD), đồ gỗ (4,1 tỷ USD), gạo (3,7 tỷ USD), cao su (3,3 tỷ USD). Ngoài ra, càphê đạt 2,7 tỷ USD, điều 1,5 tỷ USD...
Đánh giá về thắng lợi kép của ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, năm 2011, giá cả hàng nông, lâm, thủy sản trên thị trường thế giới tăng mạnh, cùng với sản xuất trong nước được mùa đã tạo nên thắng lợi kép "được mùa, được giá". Nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên các loại nguyên liệu nông, lâm, thủy sản trong nước được tiêu thụ khá thuận lợi với giá cao, kích thích sản xuất phát triển, nông dân tăng thu nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng về tính ổn định của sản xuất cũng như xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Theo GS. Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để sản xuất ra được lượng lương thực như hiện nay, trung bình mỗi năm nông dân sử dụng 7 triệu tấn phân bón (tương đương 4 tỷ USD), cùng 60.000-70.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (2 tỷ USD) trong khi đây lại là những vật tư chủ yếu phải nhập khẩu...
Chia sẻ với lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát băn khoăn, mặc dù năm 2011 giá trị chúng ta thu về rất lớn song trên thực tế, giá trị gia tăng của ngành chỉ đạt 2,3% chứ không phải 3% theo cách tính của Tổng cục Thống kê, trong khi những năm trước con số này lên tới 3,5-4%. Rõ ràng, năng suất, sản lượng nhiều nhưng giá trị thấp, lợi nhuận thu về không nhiều.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong năm 2012, sản xuất nông nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ nông sản có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2011. Mục tiêu đặt ra là giữ khoảng 7,58 triệu hecta lúa để đạt 41,5 triệu tấn thóc và giữ mức gạo xuất khẩu khoảng 6,5 - 7 triệu tấn; đảm bảo giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng từ 4-4,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu 25,5 - 26 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,5-2,6%. Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Năm 2011, ngành nông nghiệp đã có mức tăng trưởng ấn tượng, là lĩnh vực tiên phong trong giảm nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2012, ngành nông nghiệp cần tập trung đầu tư cho nhóm sản phẩm chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao; cần lưu ý nghiên cứu thị trường xuất khẩu nông sản có tiềm năng rất lớn là Trung Quốc. Trong đề án tái cơ cấu ngành, cần kết hợp đầu tư công và thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào lĩnh vực phát triển của ngành; xây dựng kế hoạch, phương hướng phát triển trên cơ sở có tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; lựa chọn và tập trung ưu tiên cho các nhóm sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Phát, cần phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản. Lựa chọn và tập trung đầu tư vào các loại cây trồng, vật nuôi là lợi thế của vùng miền, chú trọng phát triển thủy sản, chăn nuôi gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến. Làm sao để tăng năng suất phải đi đôi với chất lượng, giá trị và cần phải tập trung ở khâu có giá trị gia tăng cao với mục đích cuối cùng là tăng thu nhập cho nông dân. Bài học suốt 20 năm qua của ngành cho thấy, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thế mạnh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một trong những giải pháp trước mắt là tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường ổn định như nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là cá tra, tôm, nhuyễn thể...), chăn nuôi gia cầm, lợn và bò sữa. Ngoài ra, đối với ngành trồng trọt, cần tập trung tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng theo lợi thế vùng miền. Trong lâm nghiệp, ưu tiên phát triển rừng kinh tế và các dịch vụ môi trường rừng…
Song song với đó là đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành; tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất quy mô lớn; khuyến khích và hỗ trợ các hộ sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến VietGAP, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho dân cư nông thôn.
Theo Thúy Nga – Kinh tế nông thôn


Báo cáo phân tích thị trường