Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chế biến gỗ vượt khó
18 | 03 | 2013
Ngày 24/1/2012 tại Bắc Ninh, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) phối hợp với Tổ chức Forest trends và Hội làng nghề Gỗ Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Làng nghề gỗ trong bối cảnh thị trường thay đổi”. Theo Vifores, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2012 đạt 4.641 tỷ USD tăng 25,3% so với năm 2011.

Trong đó cơ cấu thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2012: thị trường Hoa kỳ dẫn đầu đạt 1,721 tỷ USD, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành; sang EU đạt 0,928 tỷ USD, chiếm 20%; sang Trung Quốc đạt 0,844 tỷ USD, chiếm 16%; đến Nhật Bản đạt 0, 638 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn  đều tăng trưởng mạnh, như: Hoa Kỳ tăng 27%, Trung Quốc tăng 11%, Nhật Bản tăng 14,2% so với  năm 2011. Đặc biệt, vài năm gần đây thị trường Trung Quốc nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với giá trị tăng nhanh một cách chóng mặt. Trong đó, đáng báo động là xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc đang tăng nhanh, sẽ là một nguy cơ càng gây thiếu nguyên liệu cho các nhà sản xuất ván nhân tạo của Việt Nam. Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc với khối lượng quy ra gỗ tròn khoảng trên 6 triệu m3. Trong đó: xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc từ 160.000 m 3 năm 2004 đã tăng lên khoảng  2 triệu  m 3 năm 2012; gỗ bóc khoảng 300.000  m 3/năm; gỗ Palet khoảng 250.000 m 3/năm.
 

Năm 2012 là năm đầy khó khăn đối với ngành chế biến gỗ. Ngoài những khó khăn chung như lãi suất vay ngân hàng cao, thuế cao, chi phí đầu vào như nguyên liệu và lương công nhân tăng cao, khối ngành nghề chế biến gỗ còn gặp nhiều thách thức riêng. Như: khó thu mua nguyên liệu rừng trồng ở các tỉnh phía Bắc vì thương nhân Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam vơ vét với giá cao. Thương nhân Trung Quốc còn cung cấp trang thiết bị xẻ gỗ, bóc gỗ, băm dăm với giá rẻ để người trồng rừng nước ta sản xuất gỗ xẻ, dăm mảnh và palet với khối lượng sản phẩm thô hàng năm lên tới 3- 4 triệu m3. Năm 2011 – 2012, Nhà nước ban hành một số chính sách gây bất lợi cho DN gỗ Việt Nam như Thông tư số 01 (sau này có bổ sung công văn số 42; thông tư số 40) về kiểm dịch thực vật; và nâng mức thuế xuất đối với một số sản phẩm gỗ. Chương trình XTTM quốc gia của Nhà nước 3 năm gần đây rất hạn hẹp về kinh phí, nên cộng đồng các DN gỗ Việt Nam ít được hưởng lợi từ các chương trình này. Trong năm 2011 – 2012, đã có nhiều DN chế biến gỗ phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
 

Theo Vifores, trong thời kỳ nhiều nước trên thế giới lâm vào suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng gỗ sụt giảm, thì việc phát triển thị trường nội địa vô cùng quan trọng đối với ngành chế biến gỗ. Trong thập kỷ gần đây, Việt Nam đã có bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và điều này cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng đồ gỗ của người dân.Thống kê sơ bộ Vifores, nhu cầu mua sắm đồ gỗ trong hộ gia đình ở Việt Nam bình quân khoảng 6 triệu đồng/hộ. Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh. Điều này lý giải sự phát triển các cơ sở sản xuất đồ gỗ cũng như các làng nghề chế biến gỗ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước về gỗ và các sản phẩm gỗ.
 

Ông Lê Văn Cầm, Phó chủ tịch Hội Gỗ và lâm sản Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh có hơn 15 làng nghế chế biến gỗ, nhưng nổi trội hơn cả vẫn là các làng nghề: Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, Tam Sơn. Sự phát triển của làng nghề gỗ đã góp phần tăng doanh thu cho ngành tiểu thủ công nghiệp và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương. Tuy nhiên từ đầu năm 2012 trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không bán được hàng. Hàng nghìn lao động đã phải nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là sản phẩm của các làng nghề gỗ tại Bắc Ninh quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, sản phẩm chưa bán được sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc…
 

TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, khảo sát của Forest Trends cho thấy, Hiện cả nước có 302 làng nghề chế biến gỗ, với gần 50% số làng nghề này tập trung tại vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Tổng doanh thu từ các làng nghề gỗ đạt khoảng 1,5 tỷ USD/ năm. Hiện các làng nghề gỗ cung cấp tới trên 80% đồ gỗ nội thất và đồ gỗ xây dựng cho thị trường nội địa. Ước tính, lượng nguyên liệu cho tất cả các làng nghề gỗ trong cả nước khoảng trên 3500.000-400.000m3/năm. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng doanh thu của các làng nghề gỗ đang chững lại. Mặt khác, cho đến nay phần lớn sản phẩm của các làng nghề đều chưa có sự kiểm định về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ đầu vào. Hiện tại hầu như chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với sự tồn tại và phát triển của các làng nghề chế biến gỗ. Hầu hết làng nghề gỗ đều có các tổ chức xã hội nghề nghiệp với chức năng chính là cầu nối thông tin giữa cơ sở sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên hầu hết các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở quy mô hộ gia đình đều không trực thuộc các tổ chức này vì hoạt động thực tế của các tổ chức này còn hết sức hạn chế, chưa thể hiện được vai trò trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy mô sản xuất kinh doanh ở các làng nghề thường là quy mô nhỏ hộ gia đình, hầu như không có liên kết nào được hình thành giữa các hộ đã dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến những hạn chế rất lớn trong các làng nghề hiện nay là cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá để chiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, bỏ qua các khâu, những hoạt động phải tuân thủ nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.
 Ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay một số thị trường cơ bản của Việt Nam nhập khẩu đồ gỗ đã có những thay đổi. Việc đáp ứng đối với chính sách thương mại quốc tế như Luật LACEY của Mỹ; FLEGT của EU; đồng thời các vụ kiện bán phá giá chống trợ cấp và tự vệ đã và sẽ gây áp lực rất lớn đối với cộng đồng DN gỗ Việt Nam. Mới đây, các nước Úc, Nhật cũng đã ban hành các đạo luật quy định chỉ được nhập khẩu các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Hiện cục Kiểm lâm đang được Bộ NN giao cho xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp để đáp ứng yêu cầu của thế giới. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với Liên minh châu âu để dến tháng 9/2013 sẽ có ký kết hiệp định hoàn chỉnh - đây là cơ hội cho các đồ gỗ Việt Nam thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường thế giới.

Nguồn: Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam
http://vietfores.org/default.aspx?tab=detail&z=3&m=21&id=59
 



Báo cáo phân tích thị trường