Đột phá này là kết quả của những nỗ lực nghiên cứu độc lập vừa được công bố hôm thứ sáu tuần trước (26/1). Theo đó, các kỹ sư của hai tập đoàn đã tìm được những loại chất liệu mới trong chế tạo transistor.
Hơn 40 năm nay, chất silicon dioxide luôn được dùng làm chất cách điện bên trong transistor. Tuy nhiên, theo thời gian, chất này bị bào mỏng gây rò rỉ điện làm lãng phí điện năng và sản sinh nhiệt không cần thiết.
|
Gordon Moore, cha đẻ định luật Moore. |
Cả Intel và IBM cùng cho biết đã tìm ra cách thay thế loại chất liệu silicon dioxide đó bằng các kim loại khác nhau trong nhiều phần gọi là cổng (gate) - bộ phận dùng để đóng hoặc mở transistor và cổng điện môi (gate dielectric) - lớp cách điện giúp cải thiện hoạt động của transistor và giảm tiêu hao năng lượng.
Ông Dan Hutcheson, giám đốc hãng tư vấn công nghiệp VLSI Research khẳng định: “Ở cấp độ transistor, kể từ những năm 1960 tới nay, chúng ta vẫn chưa có bất cứ thay đổi nào về các chất liệu cơ bản. Vì thế, đây sẽ là đột phá đáng kể trong khi định luật Moore đang đi dần vào bế tắc”.
Còn ông David Lammers, quản lý website WeSRCH.com, mạng xã hội ảo dành cho những người đam mê chất bán dẫn thuộc sở hữu của tập đoàn VLSI ReSearch bình luận: “Đột phá này sẽ đưa toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo chip sang trang mới về mặt định luật Moore ở cả ba lĩnh vực, khả năng hoạt động, mức tiêu hao năng lượng và mật độ transistor. Nó cũng sẽ tạo đà cho nhiều cải tiến nhanh hơn”.
Định luật Moore do ông Gordon Moore, một trong những sáng lập viên của tập đoàn Intel công bố năm 1965, khẳng định, "Số lượng transistor trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau từ 12 đến 18 tháng." (1 inch vuông xấp xỉ 6,45 cm²). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây định luật Moore đã có nhiều biểu hiện bị thay đổi và kéo dài dần thời gian tăng đôi số transistor trên một đơn vị diện tích (một inch vuông). Năm 2005, khoảng thời gian để tăng đôi số transistor là gần 24 tháng.
Với phát minh đột phá lần này, Intel, IBM cũng như nhiều hãng điện tử khác sẽ tiếp tục “tung hoành” trên bản đồ công nghệ với thế hệ chip tiếp theo sẽ có mạch điện cỡ 45nm (nanomet), tức là khoảng 1/2000 kích thước sợi tóc.
Intel cho biết sẽ đưa chất liệu mới tìm ra trong quy trình sản xuất chip hàng loạt vào quý 2 năm 2007. Theo đó, kích thước của những con chip mới sẽ chỉ còn 45nm, hay một phần tỉ của một mét. Đây quả là một đột phá đúng nghĩa so với công nghệ 65nm hiện tại của Intel. Tập đoàn có trụ sở tại Santa Clara này hy vọng những con chip dùng chất liệu mới sẽ giúp họ đánh bại đối thủ AMD.
Phía IBM cho biết sẽ không bán riêng rẽ các sản phẩm chip mới mà dự định tung ra những máy chủ gắn loại chip này vào năm 2008.
Các nhà nghiên cứu tỏ ra rất lạc quan về công nghệ mới, họ hy vọng có thể dùng nó trong suốt hai thế hệ công nghệ tiếp theo, thời điểm mà kích cỡ của bảng mạch điện tử chỉ còn 22nm.
Dẫu vậy, để định luật Moore vẫn đúng, còn rất nhiều thách thức được đặt ra. Một trong những thách thức đó là sẽ rất khó để tạo được những tia sáng đủ hẹp, có thể khắc được bảng mạch điện tử trên các con chip.
Đỗ Dương