Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kết thúc việc lấy ý kiến cộng đồng về chương trình thanh tra cá da trơn của USDA
11 | 07 | 2011
Chương trình 90 ngày lấy ý kiến cộng đồng về việc chuyển trách nhiệm thanh tra cá da trơn nội địa và NK từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã kết thúc ngày 24/6/2011. Cục Thanh tra và An toàn chất lượng (FSIS) thuộc USDA đang xem xét hơn 280 ý kiến ủng hộ và phản đối được gửi đến.

Dự luật thanh tra cá da trơn bắt nguồn từ Luật Nông nghiệp 2008 giao cho USDA quản lý cá da trơn dựa trên việc tuân thủ những quy định trong Đạo luật Liên bang về thanh tra các sản phẩm thịt, nhưng USDA phải đợi đến tháng 2/2011 mới có thể công bố bản điều chỉnh dự luật cuối cùng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: có chuyển trách nhiệm thanh tra cá da trơn từ FDA – cơ quan hiện đang quản lý các loại thủy sản khác – sang USDA vốn chỉ phụ trách các sản phẩm thịt và gia cầm; hay dự luật mới liệu có mở rộng định nghĩa “cá da trơn” không. Có khả năng định nghĩa cá da trơn vẫn được giới hạn ở các loài thuộc họ Ictaluridae như quy định tại Luật Nông nghiệp 2002. Mặt khác, cá da trơn có thể sẽ bao gồm các loài thuộc bộ Siluriformes bao gồm cá tra, basa (pangasius) và các loài cá thịt trắng NK từ Châu Á.

Người nuôi cá da trơn Mỹ ủng hộ

Hội Người nuôi cá nheo Mỹ (CFA), thông qua chương trình Cá da trơn an toàn, đã công bố với báo chí rằng có 234 ý kiến (chiếm 84%) ủng hộ việc đưa cá pangasius vào chương trình thanh tra của USDA. Chủ tịch CFA phát biểu “Những ý kiến gửi đến USDA thể hiện rõ người tiêu dùng, các đầu bếp, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và cả ngành cá da trơn đều đồng ý rằng chính phủ cần phải đảm bảo an toàn chất lượng của tất cả các sản phẩm cá da trơn tiêu thụ tại Mỹ, dù chúng có nguồn gốc nội địa hay nhập khẩu.”

Các nhà sản xuất cá da trơn miền Nam nước Mỹ cho rằng dự luật cần phải mở rộng định nghĩa cá da trơn để đảm bảo chất lượng của cả cá da trơn nuôi tại Mỹ và những loài giống cá da trơn được tiêu thụ tại Mỹ. Sissy Bridges, hội viên Hội Người nuôi cá nheo Mỹ tại Idianola, bang Mississippi phát biểu “Cần phải quan tâm đến sự an toàn của người tiêu dùng và vai trò sống còn của ngành sản xuất cá da trơn Mỹ.”

Người nuôi cá ở bang Arkansas cho rằng cần phải liệt cá NK vào diện thanh tra an toàn chất lượng để có một sân chơi công bằng. Hạ nghị sĩ Dân chủ Mike Ross, vùng Prescott, tuyên bố ủng hộ mở rộng định nghĩa cá da trơn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sự tồn tại của ngành cá da trơn Arkansas. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Rick Crawford tại Jonesboro cũng gửi ý kiến đến USDA bày tỏ mong muốn định nghĩa được mở rộng và dứt khoát hơn nữa. Crawford phát biểu “Mọi sản phẩm cá da trơn tiêu thụ tại Mỹ - dù là sản xuất trong nước hay NK – đều phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn chất lượng chung.” USDA cho biết, Arkansas là bang sản xuất cá da trơn lớn thứ 3 tại Mỹ sau Alabama, Mississippi và đã thu được 40,8 triệu USD năm 2010.

Giới nhập khẩu phản đối

Trong khi giới nuôi cá miền Nam nước Mỹ tiếp tục ủng hộ dự luật thanh tra này, Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA) gồm Wal-Mart và các tập đoàn bán lẻ hàng đầu đã phản đối việc đưa cá pangasius và các loại cá thịt trắng Châu Á vào chương trình thanh tra cá da trơn của USDA.

RILA gửi ý kiến đến USDA bày tỏ lo ngại dự luật mới sẽ làm giảm lượng cá NK vào Mỹ, đẩy giá cá da trơn tăng cao và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Phó Chủ tịch Ban Thương mại quốc tế của RILA, Stephanie Lester dự đoán “Sau khi dự luật này được thông qua, sẽ chẳng còn cá da trơn NK trên kệ hàng tại siêu thị nữa. Thiếu nguồn cung sẽ lập tức đẩy giá cá lên cao.”

Theo các nhà NK và nhóm hưởng lợi từ cá pangasius, dự luật mới thực chất là biện pháp bảo hộ chứ không nhằm bảo đảm an toàn chất lượng. Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản quốc tế tại Newport News, Matt Fass bày tỏ quan điểm trong ý kiến gửi USDA “Đây là một chương trình không thiết thực, lãng phí và cồng kềnh chưa từng thấy. An toàn chất lượng đúng là vấn đề quan trọng nhất trong ngành cá da trơn. Tuy nhiên, hiện FDA cũng đã có chương trình giám sát khá hiệu quả và ngành cá da trơn Mỹ đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm bảo đảm an toàn chất lượng. Thật đáng buồn khi đến giờ chúng ta vẫn phải đưa ra ý kiến về một dự luật mà thực chất mang tính bảo hộ chứ không đơn thuần là lo ngại về an toàn chất lượng.”

Theo FDA và các trung tâm kiểm soát bệnh dịch, cá da trơn ít có nguy cơ trở thành nguồn lây lan vi khuẩn đường ruột salmonella hay các trường hợp nhiễm độc thực phẩm khác. Không có trường hợp nhiễm khuẩn salmonella nào xuất phát từ cá da trơn kể từ khi FDA bắt đầu chương trình thanh tra năm 1997.

Dự luật thanh tra mới cũng bị tập đoàn Darken - công ty mẹ của Reb Lobster và Olive Garden - phản đối. Phó Chủ tịch Darken, Ana Hooper cho biết dù tập đoàn này ủng hộ đẩy mạnh an toàn chất lượng nhưng quả là thiếu logic khi chi 30 triệu USD xây dựng thêm một chương trình thanh tra để hạn chế nguy cơ thiếu an toàn chất lượng thay vì quan tâm đến những nguy cơ thực sự.

Những người phản đối cũng chỉ ra rằng Luật Nông nghiệp 2002 đã quy định chỉ cá thuộc họ Ictaluridae mới được dán nhãn catfish, còn cá pangasius – gồm cá tra, basa – thuộc họ Pangasiidae.

Chủ tịch Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, John Connelly phân tích “Nếu mở rộng định nghĩa cá da trơn được chấp thuận, dự luật mới sẽ đi ngược lại với những gì Quốc hội đã thông qua trước đây, vi phạm những cam kết về thương mại quốc tế của Mỹ, và chắc chắn Mỹ sẽ nhận được câu trả lời đắt giá của một hoặc nhiều đối tác quan trọng ở Châu Á – Thái Bình Dương.”Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng lên tiếng phản đối việc mở rộng định nghĩa cá da trơn và có ý sẵn sàng cho vụ kiện.

Phía phản đối dự luật thanh tra mới của USDA còn có Công ty Slade Gorton & Co. ở Boston; Clear Springs Foods ở Buhl, bang Idaho; Hiệp hội Nhà hàng quốc gia; Viện Tiếp thị thực phẩm; Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (với thành viên chủ chốt là Wal-Mart); Viện Thực phẩm đông lạnh Mỹ; Viện Các sản phẩm thịt Mỹ; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, SeafoodSource nhận định nhóm vận động hành lang ủng hộ dự luật thanh tra mới đã xuyên tạc kết quả lấy ý kiến cộng đồng khi tung ra bài báo “USDA nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ dự luật thanh tra mới đối với các sản phẩm cá da trơn nội địa và NK vào Mỹ”. Theo SeafoodSource, không phải USDA mà chính nhóm vận động hành lang đưa ra bình luận về kết quả lấy ý kiến thông qua bài báo và ngôn từ của mình. Thêm nữa, tên người liên hệ ở cuối bài báo là Molly Moore thuộc Sanderson Strategies – một công ty được nhóm vận động hành lang này đỡ lưng. Cái tên Molly Moore cũng xuất hiện trong nhiều ý kiến từ cộng đồng gửi tới USDA. Tuy nhiên, điều thú vị là trong ý kiến gửi đến USDA, Molly Moore không nêu rõ là làm việc cho nhóm vận động hành lang mà tự nhận là “người tiêu dùng” hay “cựu nhà báo đã 2 năm tìm hiểu ngành nuôi cá da trơn Châu Á."

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường