Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gỡ khó cho cá tra
19 | 03 | 2013
Hầu hết thị trường chính đều giảm nhập khẩu, giá cá tra bị đẩy xuống mức thấp nhất trong lịch sử của ngành.

Đó là những đánh giá của Tổng cục Thủy sản về sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2012. Ngày 25/1/2013, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị, đã nêu lên những giải pháp gỡ khó cho cá tra trong năm 2013.

Càng làm càng lỗ

Tổng cục Thủy sản cho biết, người nuôi cá tra cả năm 2012 chỉ lời trong quý 1, còn lại càng về cuối năm càng lỗ do giá thành tăng mà giá bán cá lại giảm. Quý 1, giá thành sản xuất 21.500 – 24.000 đồng/kg, giá bán 26.000 – 28.500 đồng/kg, người nuôi lãi 2.000 – 5.300 đồng/kg. Sang quý 2, giá thành đã tăng khoảng 6%, trong lúc giá bán giảm 10%, người nuôi hòa vốn hoặc lỗ 1.500 – 3.000 đồng/kg. Càng về cuối năm giá cá càng giảm, khác những năm trước giá cá thường tăng vào cuối năm, năm 2012 có lúc giá chỉ còn 18.000 đồng/kg.

Cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá tra. Riêng vùng ĐBSCL có 136 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó 64 doanh nghiệp có nhà máy chế biến, còn lại hoạt động thương mại. Đã có sự phân hóa mạnh trong các doanh nghiệp chế biến, chỉ 5 tập đoàn hàng đầu với công suất chế biến mỗi ngày trên 100 tấn nguyên liệu đã chiếm 34% sản lượng, còn 20 doanh nghiệp có công suất chế biến mỗi ngày dưới 30 tấn thì nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Hầu hết sản phẩm xuất khẩu vẫn là fillet đông lạnh, khoảng 99%, chỉ có 1% sản phẩm giá trị gia tăng. “Một số doanh nghiệp cá tra không có nhà máy chế biến, chớp nhoáng thành lập, làm nhiễu thị trường bằng cách chào hàng giá thấp”, theo Tổng cục Thủy sản. Vì vậy xảy ra tình trạng như Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe than thở, các doanh nghiệp chào “một rừng giá”, cạnh tranh lẫn nhau dẫn tới “lợi nhuận giảm tối đa”. Một số doanh nghiệp bán hàng trả chậm cho đối tác nước ngoài đã phải phá sản.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cũng cho thấy: “Hầu hết những thị trường chính đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam”. Trong 10 thị trường chính, chiếm 77,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, có 7 thị trường giảm so với năm 2011, giảm mạnh nhất là EU tới 19,1%, Ả rập Xê út giảm 10,7%. Thị trường Mỹ tăng 8,2% nhưng giá lại giảm, VASEP đã quy định giá sàn hàng tháng song không duy trì được, nguyên nhân theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe là do “cạnh tranh nhau”.

Với thực trạng ấy, liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng để hỗ trợ tích cực giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế vẫn là niềm mơ ước. Cũng đã có một số hoạt động liên kết nhưng chưa chặt chẽ, chưa trở thành chủ đạo trong ngành cá tra.

 

Cá tra mất giá

Cũng theo Tổng cục Thủy sản: “Giá cá tra bị đẩy xuống mức thấp nhất trong lịch sử của ngành”. Tổng cục phân tích, đó là do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chủ yếu các doanh nghiệp thương mại, làm giảm giá trị thực và uy tín sản phẩm cá tra xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhiều, kể cả doanh nghiệp thương mại; nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra vào Trung Đông, Bắc Mỹ, cạnh tranh nhau và đẩy giá xuống.

Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ phải là tổ chức sản xuất. Công tác quy hoạch vẫn rất yếu, từ quy hoạch vùng nuôi đến quy hoạch chế biến hầu như chưa làm được, dù đã đặt ra gay gắt sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tất cả còn phát triển tự phát nên mất cân đối cung cầu. “Tình trạng chào bán phá giá lẫn nhau (để giành hợp đồng), cạnh tranh không lành mạnh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối, ảnh hưởng tới chất lượng”, theo Tổng cục Thủy sản. Nhưng nói đến chất lượng sản phẩm thì cũng còn có vai trò quản lý kiểm soát. Vì có sản phẩm mạ băng đến 30 - 40% như phá uy tín cá tra, thì Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng đặt vấn đề, tại sao không buộc ghi tỷ lệ mạ băng lên bao bì?

Ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cá tra là thức ăn thủy sản, Phó Chủ tịch Dũng thẳng thắn chỉ ra, Bộ NN&PTNT đã có quy định phải ghi tỷ lệ đạm tiêu hoá lên bao bì nhưng có doanh nghiệp không thực hiện cũng chẳng sao vì “kiểm soát hời hợt”. Một số doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản còn sử dụng hóa chất tăng trọng bằng cách tích nước cho con cá, làm mất giá trị con cá tra Việt Nam.

Vốn cho ngành cá tra là vấn đề bức xúc suốt năm 2012. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ 22.777 tỷ đồng, trong đó nuôi hơn 7.790 tỷ, chế biến gần 14.987 tỷ. Còn xa mới đáp ứng được nhu cầu, chẳng hạn nuôi cá tra cần 6 - 10 tỷ đồng/ha, với gần 6.000 ha cần 36.000 – 60.000 tỷ đồng. Trong lúc vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho ngành cá tra vay lại còn giảm, năm 2012 chỉ bằng 37% năm 2009. Thế nhưng, dù ít ỏi thì con số nêu trên thực tế đến tay người nuôi và doanh nghiệp chế biến được bao nhiêu, cũng đang phải kiểm tra mới sáng tỏ. Nghĩa là trong năm 2012, không có kiểm tra, kiểm soát.

 

Giải pháp phục hồi

Đại diện VASEP đề nghị được vay vốn theo chu trình sản xuất, khoảng 9 - 10 tháng, thay vì chỉ 4 tháng như hiện nay. Ông Đào Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, nói đã có cơ chế cho vay vốn theo chu trình sản xuất kinh doanh, vấn đề hiện nay là tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra đề xuất “cơ chế tín dụng tay ba giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng được đảm bảo bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp”. Đây phải chăng là chính sách tín dụng cần thiết để khuyến khích phát triển liên kết? Nếu được thực hiện, chính sách tín dụng ưu đãi cho cá tra sẽ không còn chung chung mà thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy tổ chức lại sản xuất ngành kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác, có quy hoạch, kế hoạch. Cũng theo đó, “khuyến khích doanh nghiệp chế biến xây dựng các dự án phát triển vùng nguyên liệu thông qua các loại hình liên kết” cần được ưu đãi tín dụng.

Để tổ chức lại sản xuất, khắc phục những yếu kém bộc lộ trong năm 2012, Ban Chỉ đạo nêu giải pháp “điều tra tổng thể hiện trạng sản xuất và tiêu thụ cá tra tại ĐBSCL. Trước mắt cần nghiên cứu phương án giao chỉ tiêu sản lượng và diện tích cho từng tỉnh, thành phố”. Giải pháp về chất lượng “kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào: Thức ăn, giống và chế phẩm cải tạo môi trường... Đầu tư trang thiết bị để kiểm tra, kiểm soát các chất kháng sinh và hoá chất cấm và hạn chế sử dụng trong thủy sản”. Đồng thời “nghiên cứu cơ chế trong khâu xuất khẩu cá tra bằng việc quy định điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra để hạn chế đầu mối xuất khẩu; hạn chế tối đa cấp phép xây dựng mới các nhà máy chế biến”.

Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định “Quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra” để điều tiết thị trường thông qua quy hoạch, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, sớm tổ chức đại hội Hiệp hội Cá tra Việt Nam để đi vào hoạt động và thực thi một số nhiệm vụ cấp bách cũng như lâu dài của ngành sản xuất cá tra.



Theo CafeF
Báo cáo phân tích thị trường