Khi chúng tôi đến thăm trang trại nho Ba Mọi ở xã Ninh Hiệp (Ninh Phước, Ninh Thuận), những người làm công ở đây đang hối hả cho nho vào trong từng bịch nilon để chuyển tới các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại nho Ba Mọi, cho biết, nho của ông đang được bán trong hệ thống siêu thị Co.op Mart ở TP.HCM và chuỗi cửa hàng Bác Tôm ở Hà Nội. Với diện tích nho 1,5 ha, thì đầu ra như trên quá đủ để ông yên tâm sản xuất nho an toàn, nho sạch.
Không những thế, ông Mọi còn liên kết với nhiều hộ trồng nho an toàn trong vùng để có thêm nhiều sản phẩm nho an toàn cung cấp cho 2 hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nói trên. Tổng diện tích nho mà ông Mọi đã liên kết vào khoảng 50 ha. Tất cả diện tích này đều đang được sản xuất theo hướng VietGAP hay đã có chứng nhận VietGAP.
Tuy nhiên, hiện nay, mỗi năm, ông Mọi mới chỉ có thể đăng ký đưa vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng khoảng 30 tấn. Bởi theo ông không phải toàn bộ nho sản xuất theo VietGAP là đáp ứng được yêu cầu của siêu thị, mà chỉ nho loại 1, loại 2, có khối lượng tối thiểu 250 g/chùm (4 chùm = 1kg) mới có thể đóng gói để đưa vào các hệ thống tiêu thụ này.
Đánh giá về khả năng tiêu thụ nho an toàn trong các hệ thống siêu thị, ông Nguyễn Văn Mọi cho rằng nhu cầu rất lớn. Nếu toàn bộ diện tích nho ở Ninh Thuận được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng dư sức đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị ở nước ta.
Chính vì thị trường nho an toàn quá tốt, nên trong thời gian tới, ông Mọi sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất nho theo hướng VietGAP để nâng sản lượng cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng lên 50-100 tấn/năm.
Nho an toàn rộng đầu ra như thế, nhưng nhắc tới việc sản xuất nho VietGAP, ông Mọi không dấu nổi sự băn khoăn “Nhiều nông dân trồng nho theo hướng VietGAP nhưng vẫn giữ cách buôn bán cũ, tức là chỉ muốn bán mão (bán toàn bộ nho trong vườn) cho thương lái.
Nông dân vẫn ngại phân loại nho để chọn ra những trái tốt bán vào các siêu thị. Thương lái khi mua mão thì dù đó là nho trồng theo VietGAP, họ vẫn cứ buôn bán như nho trồng bình thường. Chính vì thế, việc phát triển diện tích nho VietGAP ở Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, ở tỉnh này hiện có 727 ha nho. Nếu so với năm 1998 (là năm diện tích nho đạt cao nhất với 2.400 ha), thì diện tích nho hiện nay chỉ còn chưa tới 1/3. Những lý do khiến diện tích nho ở Ninh Thuận sụt giảm mạnh là cơ cấu giống nho còn quá đơn điệu; kỹ thuật canh tác nho của nông dân còn nhiều bất hợp lý, từ lựa chọn đất để trồng nho tới sử dụng phân bón, thuốc BVTV …
Nhiều hộ nông dân đẩy mạnh khai thác nhiều vụ nho trong năm cũng khiến cho cây nho nhanh chóng bị suy kiệt …
Bên cạnh đó, trong một hội thảo về cây nho mà tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức, ông Trần Mạnh Xuyến, GĐ hệ thống đại lý sản phẩm nông nghiệp Bác Tôm (Hà Nội), cho rằng, hiện nay có một thực trạng đáng buồn là sau khi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhiều nông dân lại không áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng như khi mới được cấp chỉ dẫn này.
Còn theo ông Ba Mọi, nông dân Ninh Thuận vẫn đang trồng nho với "3 cái không": Không có giống; không có chuyên gia; không có DN tham gia vào việc đầu tư sản xuất, tiêu thụ nho. Bởi vậy, dù mỗi năm sản lượng nho ở tỉnh này là hàng chục ngàn tấn, nhưng chỉ một lượng rất ít trong đó (khoảng 5-10%) đạt chất lượng tốt để đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn.
Còn lại, đại đa số nho Ninh Thuận vẫn đang tiêu thụ trôi nổi trên thị trường. Nhiều công ty thường tìm tới trang trại của ông Ba Mọi để đặt hàng đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn của họ, nhưng ông đành phải từ chối do không có hàng đảm bảo chất lượng để giao. Trong khi đó, nho buôn bán trôi nổi thì bao nhiêu cũng có.