Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông, thủy sản tăng thấp nhất 7 năm qua
28 | 10 | 2015
Lần đầu tiên sau 7 năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tại sao giá trị nông sản tuột dốc sau 7 năm?

 Hàng chủ lực giảm giá trị

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tháng 9-2015 đạt khoảng 2,15 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm lên 21,65 tỉ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỉ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (giảm 32,2%), cao su (giảm 13,7%), gạo (giảm 15,7%), thủy sản (giảm 17,8%)…

Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến 8-10-2015 VN đã xuất khẩu được 4,394 triệu tấn gạo các loại với giá trị 1,828 tỉ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo của VN giảm gần 400.000 tấn.

Nguyên nhân, theo ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch VFA, ba quý đầu năm nay thị trường đầu ra của gạo VN gặp nhiều khó khăn do thiếu vắng các hợp đồng lớn.

Nhiều thị trường đã giảm mạnh nhập khẩu gạo từ VN như Philippines (giảm trên 40% về khối lượng), Singapore (giảm 37,24%) và Hong Kong (giảm 29,37%).

Không chỉ giảm về khối lượng, áp lực tiêu thụ gạo trong nước đã buộc các doanh nghiệp liên tục giảm giá chào bán gạo của VN.

Suốt từ đầu năm đến nay, giá gạo của VN luôn ở mức thấp nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo ở khu vực châu Á. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN trong các tháng đầu năm 2015 với khoảng 35% thị phần.

Tuy nhiên theo VFA, xuất khẩu gạo của VN đã khởi sắc trở lại sau khi liên tiếp trúng thầu gần 1,5 triệu tấn gạo cho Indonesia và Philippines thời gian qua. Với thời gian giao hàng là các tháng cuối năm và đầu năm 2016, đầu ra cho gạo của VN đã được đảm bảo cho đến vụ đông xuân năm tới.

Không được may mắn như mặt hàng gạo, nhiều mặt hàng nông sản chính của VN như cao su, chè, thủy sản và cà phê tiếp tục được dự đoán giữ mức giá thấp trong những tháng cuối năm nay. Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 961.000 tấn với tổng giá trị 1,96 tỉ USD.

So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu cà phê giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị. Giá trị xuất khẩu cà phê trong các tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của VN đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Tương tự với mặt hàng chè khi xuất khẩu được 88.000 tấn với giá trị đạt 151 triệu USD trong chín tháng đầu năm nay lần lượt giảm 8,8% và 8,1% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Dù giá chè tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng do các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các thị trường chính đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu chè trong thời gian qua.

Cao su tuột dốc

Khả năng xuất khẩu cao su thiên nhiên trong năm 2015 có thể chỉ đạt 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 3,2% về lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỉ USD, giảm khoảng 10% so với năm 2014.

Giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nông sản năm 2015 là cao su khi tiếp tục đà giảm kể từ năm 2011 đến nay.

Chín tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 740.000 tấn với giá trị 1,06 tỉ USD. Dù khối lượng xuất khẩu tăng 6,6% nhưng lại giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014 do giá cao su tiếp tục giảm.

Theo ông Võ Hoàng An, tổng thư ký Hiệp hội Cao su VN (VRA), tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhất là tại các thị trường sản xuất săm lốp xe lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản đã làm giảm nhu cầu cao su thiên nhiên.

Không những vậy, giá dầu thô đã giảm rất mạnh kể từ đầu năm, kéo giá cao su tổng hợp giảm xuống cạnh tranh với cao su tự nhiên.

Ở mặt cung, diện tích cao su trồng tăng rất mạnh ở các quốc gia hàng đầu về sản xuất loại cây này như Thái Lan, Indonesia, VN các năm trước đây đã bổ sung một lượng lớn mủ cao su ra thị trường càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn.

Dự đoán giá cao su sẽ ổn định ở mức thấp trong các tháng cuối năm nay và cho đến năm 2018 mới có thể tăng trở lại.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu nông sản có tác động đáng kể bởi sự suy giảm của ngành thủy sản. Đây là ngành đóng góp tới 8 tỉ USD trong năm 2014 (chiếm khoảng 25% tổng giá trị toàn ngành).

Do nhiều yếu tố khác nhau, xuất khẩu thủy sản của VN đã giảm tới 17,8% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt 4,69 tỉ USD trong chín tháng đầu năm. Sự suy giảm được ghi nhận ở hầu hết các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu thủy sản giảm do sức mua yếu từ các thị trường chính, chính sách tiền tệ của các nước nhập khẩu và cạnh tranh xuất khẩu cùng mức thuế chống bán phá giá khá cao từ năm trước.

Cụ thể, đối với thị trường Mỹ thì xuất khẩu thủy sản của VN đã giảm 20% về giá trị trong tám tháng đầu năm nay. Trong đó, mặt hàng tôm đông lạnh giảm tới 43%.

Cần thay đổi chiến lược xuất khẩu nông sản

Theo các chuyên gia, VN đã là cường quốc về nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới nhưng cũng đã đạt đến điểm tới hạn của các mặt hàng này.

Do đó, để duy trì sự tăng trưởng của nông nghiệp, VN cần thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu nếu không sẽ bị tụt hậu.

Nhiều nơi nông dân không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cao su tăng giá đã đốn bỏ hàng loạt, kể cả các vườn cây đang cho mủ để chuyển sang trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn.

Việc chặt trồng, trồng chặt tại VN, ngay cả với những loại cây công nghiệp cần nhiều thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch không phải là hiếm.

Ngoài yếu tố về giá cả cũng cho thấy quỹ đất cho nông nghiệp của VN đã hết, để phát triển loại cây trồng này thì phải chặt loại cây trồng khác. Ví dụ, cách đây 7-8 năm khi giá trị cây điều thấp, còn giá cà phê và cao su tăng cao, người dân đã chặt bỏ cây điều trồng cao su và cà phê.

Hậu quả là từ trên 500.000ha điều, đến nay VN chỉ còn khoảng 300.000ha. Để có đủ nguồn hàng cho chế biến xuất khẩu (1,2 triệu tấn), VN phải nhập khẩu hạt điều ngày càng nhiều từ các quốc gia châu Phi.

Dự kiến trong năm 2015 VN phải nhập đến 700.000 tấn điều thô về chế biến. Sau cơn sốt cao su là đến cơn sốt hồ tiêu. Người dân lại tiếp tục chặt điều, cà phê và cao su để chuyển sang trồng tiêu do mức lợi nhuận quá hấp dẫn.

 


Vì vậy để nâng cao giá trị xuất khẩu, VN chỉ còn cách đầu tư vào khâu chế biến sâu và nâng cao chất lượng để nâng giá bán.

GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc) cho biết các mặt hàng thế mạnh của VN từ hơn chục năm qua là gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su, chè… thực tế thị trường thương mại toàn cầu chỉ ở dưới 10 tỉ USD.

Do đó, VN đã phát triển đến mức giới hạn cả về diện tích lẫn khả năng cung cấp. Rất khó để tạo ra sự đột phá về sản lượng và giá trị các mặt hàng này trong tương lai.

Trong khi đó, thị trường rau quả của thế giới lên đến hàng trăm tỉ USD và ngày càng tăng trưởng vẫn chưa được Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Đây là ngành hàng mà VN cần phải tập trung đầu tư và chiếm lĩnh trong thời gian tới để giữ vững mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

 

Hạt điều, rau quả tăng trưởng mạnh

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết năm 2015 xuất khẩu hạt điều cả nước có thể đạt hơn 300.000 tấn, trị giá 2,5 tỉ USD, tăng 25% so với 2014.

Chín tháng đầu năm 2015 đạt 245.000 tấn với 1,78 tỉ USD, tăng 7,8% về khối lượng và tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Còn theo Hiệp hội Rau quả VN, ngành rau quả xuất khẩu của VN đã có sự tăng trưởng mạnh trong vòng năm năm trở lại đây.

Nếu như năm 2010 giá trị xuất khẩu của ngành này mới chỉ đạt 460 triệu USD, chỉ trong chín tháng đầu năm nay con số này đã lên tới gần 1,3 tỉ USD và dự báo cả năm 2015 sẽ đạt 2 tỉ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2014.



Theo Trần Mạnh - Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường