Trong báo cáo mới công bố ngày 10/11, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2016 sẽ đạt 2,571 tỷ tấn, tăng nhẹ so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 và tăng 1,5% so với sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2015.
Sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm 2016 được dự báo tăng lên 746,7 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2015. FAO cho rằng sản lượng tăng chủ yếu tại Nga – với sản lượng được dự báo đạt mức cao kỷ lục và tại Kazakhstan, với thời tiết thuận lợi sẽ thúc đẩy năng suất tăng.
Các điều chỉnh tăng sản lượng tại Nga và Ukraina dẫn tới việc FAO tăng dự báo sản lượng lúa mạch toàn cầu. Trong khi đó, thời tiết bất lợi lại làm giảm sản lượng ngô tại Brazil, Trung Quốc, EU và Mỹ, dẫn tới FAO hạ dự báo sản lượng ngô toàn cầu. Dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2016 ít thay đổi so với dự báo hồi tháng 10.
FAO dự báo tiêu dùng ngũ cốc toàn cầu niên vụ 2016/17 đạt 2,562 tỷ tấn, tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 10 và tăng 1,7% so với niên vụ 2015/16. “Trong các mục đích sử dụng ngũ cốc, tiêu dùng ngũ cốc làm TACN toàn cầu được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2016/17, chủ yếu nhờ nguồn cung ngũ cốc htoo dồi dào và nguồn cung lúa mỳ chất lượng thấp cao. Tổng tiêu dùng ngũ cốc thô làm TACN năm 2016/17 dự báo đạt 756,6 triệu tấn, tăng 2,1% so với năm 2015/16. Tiêu dùng lúa mỳ làm TACN được dự báo đạt 146,6 triệu tấn, tăng 6,1% so với niên vụ trước và đạt mức cao kỷ lục.
Tiêu dùng ngũ cốc làm TACN tăng mạnh nhất trong năm 2016/17 là tại Mỹ, với dj báo tổng tieu dùng ngũ cốc làm TACN tăng 10% lên 156,5 triệu tấn, với 92% tổng lượng này, tương đương 143,5 triệu tấn là ngô. Tiêu dùng ngũ cốc làm thực phẩm toàn cầu năm 2016/17 được dự báo đạt 1,106 tỷ tấn, tăng 1,3% so với năm 2015/16.
FAO dự báo thương mại ngũ cốc toàn cầu năm 2016/17 tăng 0,8% so với dự báo hồi tháng 10 lên gần 388 triệu tấn. Giá ngũ cốc trên thị trường quốc tế đang ở mức thấp được dự đoán sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của một số nước. Nga được dự báo tăng xuất khẩu lúa mỳ, trong khi sản lượng giảm làm giảm xuất khẩu lúa mỳ của EU. Xuất khẩu lúa mỳ của Úc và Mỹ đều được dự báo tăng.
Trong tháng 10/2016, chỉ số giá thực phẩm của FAO đạt trung bình 172,6 điểm, tăng 0,7% so với tháng 9/2016 và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá thực phẩm của FAO tăng chủ yếu là do giá đường và sữa tăng mạnh. Chỉ số giá đường của FAO tăng 3,4% trong tháng 10 do triển vọng sản lượng giảm tại Brazil và Ấn Độ. Chỉ số giá sữa của FAO tăng 3,9% so với tháng 9, chủ yếu do tăng giá bơ và phô mai, do nhu cầu ổn định trên thị trường EU sau thời gian dự trữ dồi dào làm giá giảm.
Trong khi đó, chỉ số giá các loại dầu/chất béo của FAO giảm 2,4% so với tháng 9, chủ yếu do giá dầu cọ giảm khi nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm. Chỉ số giá thịt của FAO cũng giảm 1% trong tháng 10, chủ yếu do nhu cầu thịt lợn EU của Trung Quốc giảm. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 1% do nguồn cung lúa mỳ chất lượng cao khan hiếm dù triển vọng sản lượng lúa mỳ toàn cầu tăng.
Theo World Grain