UN FAO vừa nâng 1,1 triệu tấn trong dự báo sản lượng ngũ cốc, lên mức cao kỷ lục 2.613 triệu tấn trong niên vụ sản xuất 2017-18, bao gồm gạo, lúa mỳ, và các loại ngũ cốc thô như đại mạch, ngô và kê. Điều chỉnh này chủ yếu phản ánh mức tăng 2,7 triệu tấn lên 752,8 triệu tấn trong ước tính sản lượng lúa mỳ. FAO điều chỉnh tăng ước tính sản lượng lúa mỳ do sản xuất thuận lợi hơn dự báo trước đó tại Nga.
Sử dụng ngũ cốc trong công nghiệp tăng
Tuy nhiên, bất chấp nâng dự báo sản lượng ngũ cốc, FAO hạ 1,8 triệu tấn trong ước tính dự trữ ngũ cốc, xuống còn 718,7 triệu tấn trong cuối niên vụ 2017/18. Động thái này phản ánh ước tính tiêu dùng ngũ cốc được nâng tăng thêm 4 triệu tấn, với mức tăng 25 triệu tấn so với niên vụ trước, tương đương tăng 1%. “Tiêu dùng ngũ cốc trong sản xuất công nghiệp được dự báo tăng 1,2%”, FAO nhận định, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhu cầu trung bình. Dự báo này được đưa ra sau khi IGC cho rằng Trung Quốc đang tăng sử dụng ngô cho sản xuất ethanol. IGC cũng hạ dự báo dự trữ ngũ cốc vào thời điểm cuối niên vụ 2017-18 dù nâng ước tính sản lượng sản xuất.
Tuy nhiên, không giống như nhận định của IGC cho rằng dự trữ ngũ cốc thế giới (không tính gạo) giảm 30 triệu tấn trong niên vụ 2017 – 18, FAO cho rằng dự trữ sẽ tăng khoảng 15 triệu tấn trong niên vụ này.
Cạnh tranh mạnh
FAO nhấn mạnh “dự trữ gạo và các loại ngũ cốc thô toàn cầu được dự báo đạt mức cao kỷ lục, trong khi nguồn cung lúa mỳ trên thị trường vốn cũng đang trong trạng thái dồi dào”, cho thấy nguồn cung ngũ cốc nói chung cho thương mại khá lớn.
FAO cho rằng xét đến nguồn cung ngũ cốc khả dụng xuất khẩu cao, cạnh tranh của các nước xuất khẩu lớn trong năm tới dự báo sẽ diễn biến khốc liệt. FAO dự báo thương mại ngô, kê và gạo tăng sẽ bù đắp cho suy giảm thương mại lúa mỳ.
Cạnh tranh tăng giữa các nhà xuất khẩu lớn sẽ là một yếu tố tác động tiêu cực tới giá, đẩy quyền lực đặt giá trên thị trường vào tay những người mua.
Giá thực phẩm giảm
FAO cũng vừa công bố báo cáo tình hình các chỉ số giá thực phảm, theo đó cho biết giá thực phẩm 1,3% trong tháng 10/2017, ngoại trừ ngũ cốc khi giá gạo tăng do nguồn cung gạo thơm và gạo Japonica giảm theo mùa.
Giá lúa mỳ giảm do áp lực nguồn cung khả dụng xuất khẩu lớn từ khu vực biển Đen và cạnh tranh tăng giữa các nhà xuất khẩu.
Giá nhóm thực phẩm giảm mạnh nhất trong tháng 10 là ngành sữa, với mức giảm 4,2%, lần giảm giá đầu tiên trong 6 tháng qua, với giá bơ và giá sữa bột nguyên kem giảm do các nhà nhập khẩu giảm mua, chờ nguồn cung mới từ châu Đại dương. “Nhu cầu thấp và nguồn dự trữ can thiêp thị trường lớn tại EU đã gây sức ép giảm giá sữa bột gầy”.
Giá dầu thực vật cũng giảm 1,1% do giá dầu cọ giảm khi lượng dự trữ cao hơn dự báo tại Malaysia và dự báo sản xuất tăng tại Đông Nam Á, trong khi giá dầu đậu tương giảm do sản xuất bội thu tại Đông Nam Á.
Theo Agrimoney (gappingworld.com)