Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Giá thực phẩm thế giới giảm 1,3% trong tháng 10/2017
03 | 11 | 2017
Theo Tổ chức Nông lương Thế giới, giá thực phẩm toàn cầu giảm nhẹ trong tháng 10/2017 so với tháng trước đó, với giá tất cả các nhóm hàng đều giảm, ngoại trừ ngũ cốc. Hàng hóa nông sản đang dần thoát ra khỏi một giai đoạn biến động mạnh và FAO cho rằng giá hàng hóa nông sản sẽ duy trì ổn định trong thập kỷ tới.

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 176,4 điểm trong tháng 10/2017, giảm 2,2 điểm, tương đương 1,3% so với tháng 9/2017. Mặc dù ở mức điểm này đã tăng 4 điểm, tương đương 2,5% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng thấp hơn 27% so với mức cao kỷ lục theo giá danh nghĩa là 240 điểm đạt được vào tháng 2/2011. Với ngoại lệ là ngũ cốc, tất cả các chỉ số giá của các nhóm hàng trong tính toán FFPI.

Tháng 10/2017, chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 152,8 điểm, tăng tới 10,5 điểm, tương đương 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số các loại ngũ cốc chính, giá các loại lúa mỳ giảm, chịu áp lực bởi nguồn cung khả dụng xuất khẩu lớn từ khu vực biển Đen và cạnh tranh tăng trên thị trường xuất khẩu. Giá ngô tăng nhẹ tại Mỹ, mặc dù ngô chào bán từ Mỹ Latin giảm do nguồn cung tăng. Giá gạo quốc tế tăng trong tháng 10, chủ yếu do nguồn cung gạo thơm và Japonica giảm, đồng thời giá gạo Japonica còn được hỗ trợ bởi hàng loạt đấu thầu mua gạo liên tiếp tại vùng Viễn Đông.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 170 điểm trong tháng 10, giảm 1,8 điểm, tương đương 1,1% so với tháng 9 và tương đương mức điểm ghi nhận trong cùng kỳ năm 2016. Chỉ số này giảm chủ yếu do giá dầu cọ và giá dầu đậu tương. Giá dầu cọ giảm do dự trữ được dự báo tăng tại Malaysia và khả năng sản lượng tăng trên toàn Đông Nam Á. Trong khi đó, giá đầu đậu tương giảm do tiến độ thu hoạch đậu tương rất thuận lợi tại Mỹ và dự báo nguồn cung toàn cầu dồi dào trong niên vụ 2017/18. Giá dầu hướng dương giảm do nguồn cung khả dụng xuất khẩu lớn tai khu vực biển Đen, cũng là yếu tố gây áp lực lên chỉ số này.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 214,8 điểm trong tháng 10, giảm 9,4 điểm, tương đương 4,2% so với tháng 9 trước đó và đánh dấu tháng giảm giá đầu tiên kể từ tháng 5/2017. Ở mức giá này, chỉ số giá sữa cao hơn 32 điểm, tương đương 17,5% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng thấp hơn 22% so với mức cao đỉnh điểm trong tháng 2/2014. Giá chào bán bơ, sữa bột gầy (SMP) và sữa bột nguyên kem (VMP) giảm trong tháng 10, trong khi giá phô mai duy trì ổn định hơn. Giá bơ và WMP giảm do các nhà nhập khẩu giảm mua, chờ nguồn cung mới từ châu Đại dương xuất hiện trên thị trường. Nhu cầu thấp và dự trữ khả dụng dồi dào tại EU gây áp lực giảm giá lên SMP. Thị trường phô mai tương đối cân bằng, góp phần giúp giá phô mai bình ổn.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 172,7 điểm trong tháng 10, giảm 1,6 điểm, tương đương 0,9% so với tháng 9 và tiếp tục khuynh hướng giảm nhẹ bắt đầu từ tháng 7 vừa qua. Giá thịt lợn và thịt cừu trên thị trường quốc tế giảm trong tháng 10, trong khi giá thịt bò tăng và giá thịt gia cầm ổn định. Cạnh tranh tăng mạnh trên thị trường xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu yếu là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm giá thịt lợn trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, giá thịt bò tăng tháng thứ 3 liên tiếp do nguồn cung thịt bò giao ngay từ châu Đại dương giảm. Nguồn cung thịt cừu tăng theo mùa tại châu Đại dương gây áp lực lên giá; trong khi các thị trường thịt gia cầm duy trì tương đối cân bằng.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình gần 203 điểm trong tháng 10, giảm 1,4%, tương đương 0,7% so với tháng 9 và thấp hơn tới 112 điểm, tương đưng 36% so với cùng kỳ năm 2016. Giá đường giảm trong tháng 10 do khả năng nguồn cung tăng trong niên vụ 2017/18, cụ thể là sản lượng củ cải đường tại EU và Nga đều tăng. Đồng Real Brazil yếu đi, làm tăng khả năng nước này đẩy mạnh xuất khẩu, cũng gây áp lực lên giá quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh do thuế nhập khẩu tăng.

Theo FAO (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường