Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 169,5 điểm trong tháng 1/2018, gần như không đổi so với tháng 12/2017 nhưng thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2017. Giá ngũ cốc và dầu thực vật tăng trong tháng 1/2018, trong khi giá sữa, đường giảm và giá thịt đi ngang.
Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 156,2 điểm trong tháng 1/2018, tăng gần 2,5% (4 điểm) so với tháng 12/2017 và cao hơn 6,3% so với tháng 1/2017. Bất chấp nguồn cung tăng, giá lúa mỳ và giá ngô nhận được cú hích từ đồng USD yếu đi và những lo ngại về tình hình thời tiết. Giá gạo quốc tế tiếp tục tăng trong tháng 1/2018, chủ yếu do nhu cầu cao từ châu Á.
Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 163,1 điểm trong tháng 1/2018, gần như không đổi so với tháng 12/2017 do giá dầu cọ tăng nhẹ nhưng giá dầu hướng dương và dầu hạt cải giảm. Giá dầu cọ quốc tế tăng do nhu cầu nhập khẩu thế giới tăng trong khi sản xuất đang bước vào chu kỳ thấp điểm tại Đông Nam Á. Ngược lại, giá dầu hạt cải gặp áp lực do nguồn cung dư thừa tại EU và nguồn cung cao hơn dự báo tại Bắc Mỹ và Úc. Trong khi đó, giá dầu hạt hướng dương lại giảm do nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm.
Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 179,9 điểm trong tháng 1/2018, giảm 2,4% (4,5 điểm) so với tháng 12/2017. Mặc dù đây là tháng thứ 4 giảm giá liên tiếp nhưng mức chỉ số giá sữa vẫn cao so với mức giá thấp hồi tháng 4/2017 tới 41%. Trong tháng 1/2018, giá bơ và phô mai trên thị trường quốc tế giảm; giá các loại sữa bột tăng. Nguồn cung sữa dồi dào tại Bắc bán cầu và Úc có tác động lớn lên giá sữa toàn cầu, bao gồm sự suy giảm giá bơ và giá phô mai. Tuy nhiên, khả năng sản lượng sữa theo mùa tại New Zealand thấp hơn dự kiến sẽ hỗ trợ giá sữa bột nguyên kem (WMP). Giá sữa bột gầy (SMO) cũng tăng, chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu cao.
Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 170,6 điểm trong tháng 1/2018, gần như không đổi so với tháng 12/2017 và cao hơn 7,4% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng thấp hơn 19,5% so với mức giá cao kỷ lục đạt được hồi tháng 8/2014. Giá thịt lợn và thịt gà trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm do nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm. Giá thịt bò tăng nhẹ, phản ánh nguồn cung chào bán giảm từ châu Đại dương, trong khi giá thịt cầu tăng nhờ nhu cầu quốc tế mạnh, đặc biệt là tại châu Á và Trung Đông.
Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 201 điểm trong tháng 1/2018, giảm 1,6% (3,2 điểm) so với tháng 12/2017 và thấp hơn 30,4% so với cùng kỳ năm 2017. Giá đường quốc tế đang gặp áp lực giảm phần lớn do sản xuất cao tại các nước sản xuất lớn và nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào.
Theo FAO, Reuters (gappingworld.com)