Cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia (NFA) hồi tháng 1/2018 cho biết ý định nhập khẩu 250.000 tấn gạo càng sớm càng tốt để bổ sung vào kho gạo đang ở mức thấp tại một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch này cần được phê duyệt bởi Hội đồng NFA, bao gồm các nà chức trách về kinh tế của chính phủ. “Hiện kho dự trữ của họ có thể ở mức thấp nhưng Hội đồng cho rằng không cần nhập khẩu gạo khẩn cấp, Thị trường có nguồn cung dồi dào và giá gạo vẫn tương đối ổn định”, theo quan điểm của Mercedita Sombilla, thành viên hội đồng NFA.
Kho dự trữ gạo của NFA chủ yếu để bình ổn giá gạo nội địa, hiện chỉ còn khoảng 60.000 tấn, đủ cho tiêu dùng hai ngày trên toàn quốc, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 15 ngày theo quy định và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/1995 khi dự trữ của NFA chỉ còn đủ tiêu dùng một ngày trên cả nước. NFA được cho biết các doanh nghiệp tư nhân đang có tồn kho gạo đủ để chờ cho tới khi nông dân thu hoạch.
Năm 2017, Philippines sản xuất lượng gạo cao kỷ lục 19,4 triệu tấn và Bộ Nông nghiệp ước tính tồn kho gạo trên cả nước sẽ ở mức 3 triệu tấn đến cuối tháng 3/2018, đủ dùng cho 96 ngày.
Tuy nhiên, khi không có nguồn cung gạo từ NFA, giá gạo nội địa tăng do doanh nghiệp tư nhân đẩy giá bán tăng. Lạm phát tháng 1/2018 của Philippines tăng vọt lên 4%, mức cao nhất trong hơn 3 năm, một phần do giá thực phẩm tăng, bao gồm giá gạo.
Thông thường Philippines mua gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Năm 2017, Philippines chỉ mua 250.000 tấn gạo từ Việt Nam, Thái Lan và Singapore thông qua đấu thầu hồi tháng 7/2017. Các nhà chức trách Philippines lo ngại doanh nghiệp tư nhân sẽ đẩy giá gạo tăng cao và gây thiệt hại cho người tiêu dùng bình dân.
Theo Reuters (gappingworld.com)