nh Thắng là một cựu “lâm tặc” ở bản Khe Đóng, xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An)...
Nghề... phá rừng
Về xã Thạch Ngàn công tác, gặp người đàn ông béo mập có dáng ông chủ hơn là một nông dân, nghe giọng nói quá quen thuộc. Tiếng thì quen, còn người tôi không tài nào nhớ nổi, hỏi Chủ tịch HĐND, Bí thư Đảng uỷ xã Võ Đình Thành mới té ra đó là Thắng “lâm tặc”. Sau một hồi tâm sự, Thắng mời trưa về nhà anh lai rai, nghe anh tâm sự về một quãng đời lầm lỡ.
|
Anh Thắng bên đàn trâu |
Lê Thắng quê gốc Bình Định, ba tập kết ra Bắc về TP Vinh (Nghệ An) sinh sống. Những năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhân dân phải sơ tán, ba Thắng lôi cả gia đình lên xóm Cầu Đất, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn sinh sống. Tháng 4/1962, Thắng ra đời giữa tiếng bom đạn và cái nắng cháy da cháy thịt trên mảnh đất tản cư.
Cũng như bao trai làng khác, Thắng được nuôi ăn học hết cấp 3. Thi đại học không đỗ, Thắng ở nhà phụ giúp ba mẹ buôn bán, rồi xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Loan cùng xóm. Ở mảnh đất toàn dân ngụ cư gần như không có đất canh tác, trồng trỉa. Để mưu sinh, cả làng sống nhờ vào buôn bán lâm sản. Cái thời rừng còn nhiều gỗ quý, việc khai thác, buôn gỗ chưa được quản lý, phải thừa nhận dân Cầu Đất thuộc loại giàu có.
Nhưng rồi gỗ và lâm sản chặt mãi cũng vãn, Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng không cho khai thác, vả lại rừng đã có chủ, vợ chồng Thắng lén lút khai thác gỗ trộm. Mạng lưới kiểm lâm giăng về tận xã vây bắt. Thắng kể hồi đó có lúc thuê cả đàn trâu 18 con kéo gỗ thâu đêm. Chồng lo tập kết lâm sản về, vợ đi tiêu thụ. Vốn liếng ba mẹ cho một ít, lúc đầu buôn gỗ lãi to, nhưng chỉ vài chuyến bị kiểm lâm bắt vợ chồng anh trắng tay, gia đình túng thiếu.
Cái xóm nhỏ buôn bán trước đây người bán ít, người mua nhiều, nay ngược lại. Sự chênh lệch giá cả giữa các vùng miền không đáng kể, làm ăn khó khăn, cộng với việc vay vốn buôn gỗ, lãi mẹ đẻ lãi con khiến vợ chồng Thắng nợ như chúa Chổm. Chỉ lo cái ăn cho gia đình 7 miệng, anh đã méo mặt. Đang tuổi sung sức nhưng chiếc dây lưng phải đột thêm lỗ. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả … , các con anh chỉ học xong lớp 7 đành gác bút nghiên. |
Từ vị trí ông bà chủ hai vợ chồng trở thành con nợ đi làm thuê, cuốc mướn, thậm chí phải bán nhà, bán đất sang vùng khe đóng Thạch Ngàn khai sơn phá thạch, kiếm bát ăn qua ngày. Và, đây cũng là bước ngoặt đổi đời của cặp vợ chồng “lâm tặc” nổi tiếng một thời.
Vào huồi co Sàn lập nghiệp
Mùa hè năm 1982, trong khi cả hai vợ chồng vào huồi co Sàn (khe cây trổ) chặt củi kiếm tiền mua gạo, thấy vùng đất này rộng, nhiều đụn giun nổi lên, nếu bỏ sức khai hoang trồng lúa, ngô, đậu lạc, sắn... sẽ rất tốt, nghĩ vậy Thắng về làm đơn xin nhận 7ha đất đồi rừng, quyết tâm biến đất thành cơm gạo...
Nhờ trời cho sức khoẻ và cả lòng tự trọng, hai vợ chồng ngày đêm khai hoang, phục hoá, cày bừa. Mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại, giờ anh chị có hơn 7ha đất trồng trọt, chăn nuôi. Đất lạ lắm mùn, được thấm đẫm mồ hôi con người đã mang đến cho vợ chồng anh những mùa ngô, lạc, đậu, lúa... bội thu. Không chỉ trang trải đủ lương thực cả năm, anh còn chăn nuôi và bán trả nợ ngân hàng.
|
Chị Loan đang cho dê ăn muối |
Khi xã có chủ trương đưa cây mía vào trồng, vợ chồng anh là người đầu tiên hưởng ứng. Nhờ được huyện hỗ trợ tiền làm đất, đào rãnh mía, phân bón, giống..., vợ chồng anh nhận trồng 2ha, rồi 5ha. Vụ mía đầu tiên lãi hơn trăm triệu. Cạnh nhà có con suối nhỏ, anh ngày đêm đào đắp ngăn lại, trữ nước nuôi cá, vừa có 3.000m2 ao cá vừa có nước tưới mía, phục vụ sinh hoạt. Cứ hai năm tháo đập một lần. Ao sâu, nhiều thức ăn cá nhanh lớn, năm ngoái anh đánh bắt gần 1,5 tấn cá, bình quân 7 - 8kg/con, có những chú trắm cỏ nặng 14 - 15kg cho thu nhập hơn trăm triệu.
Nghĩ lại nghề “lâm tặc” làm anh khốn khổ, thì chính cây mía, con cá đã giúp anh đổi đời, lấy lại vị trí ông chủ trong mắt bà con. Ngồi lai rai chén rượu với mồi nhậu toàn cây nhà lá vườn, chị Loan khéo nấu, gà vườn chín tới rất ngọt, ngan om giả cầy thơm lựng, cá nướng chín giòn, mấy anh em nâng chén chúc mừng anh chị...
Tôi hỏi Thắng: "Đất đai nhiều, việc nhà nông cũng lắm, anh chị cân đối thế nào để vừa chăn trâu, chăn dê, nuôi cá, còn trồng những đồi sắn, mía, khoai, ngô, lúa... thẳng cánh cò bay?". Thắng hát nhại câu hát của thanh niên, rằng “không làm hết thì thuê”. Và anh kể, hiện trang trại thường xuyên tạo việc làm cho 5 - 6 lao động, công 100.000 đồng/ngày, nuôi cơm trưa. Lúc thời vụ thuê tới 50 - 60 người chặt mía, nhổ sắn. Mùa vụ trồng trỉa lại thuê 20 - 30 người nữa.
|
Vườn mía và ao cá |
Tính sơ sơ, một vụ chặt 5ha mía khoảng 300 tấn mía cây, nhổ 130 tấn sắn. Tôi nhẩm tính riêng mía và sắn mỗi năm vợ chồng anh thu 350 - 400 triệu đồng, ao cá gần trăm triệu. Trong chuồng hiện có 35 con dê nái, 40 con lợn, 10 con trâu, hàng năm cấy 2 tấn lúa, chưa kể rừng keo 2ha sắp thời kỳ khai thác. Tính sơ sơ vợ chồng "lâm tặc" đã có tiền tỷ còn gì!?