Khoảng 5g chiều, chúng tôi tìm đến làng thương lái Hội An, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chứng kiến cảnh mua bán nhộn nhịp. Các loại rau màu như kiệu, bắp, dưa leo, hành… từ các nơi được chở về tấp nập bằng xe ba gác. Dưới sông Hội An, tàu thuyền hối hả mang rau màu ra điểm tập kết để đưa đi tiêu thụ.
Thấy chúng tôi đưa máy ảnh ra chụp lia lịa cảnh người dân mua báu rau màu, anh Trịnh Kim Thính, phó Chủ tịch UBND xã Hội An tỏ ra khoái chí: "Nhà báo cứ tha hồ mà chụp… Ở xứ này rau màu nhiều vô kể, lúc nào cũng đầy đồng. Nơi khác hổng biết sao, chớ riêng ở Hội An chính rau màu "đẻ" ra nhà tường, xe máy và nhiều thứ khác!".
Để chứng minh thực tế, anh Thính đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh xã. Ghé nhà Hai Đời, ở ấp Thị, người trồng màu nổi tiếng. Hai Đời kể: "Hồi trước vợ chồng lấy nhau ra ở riêng chỉ được vài công ruộng, mỗi năm chăm bẵm vào 2 vụ lúa sống vất vả lắm. Từ khi chuyển sang trồng màu, kinh tế phất lên ngó thấy". Tìm hiểu thị trường biết được kiệu là cây giá trị cao, trung bình khoảng 250.000 đ- 280.000 đ/tạ, Hai Đời trồng 2 vụ kiệu/năm. Năng suất bình quân đạt 80 tạ/công, với 5 công kiệu anh thu được trên 100 triệu đồng/vụ, cao gấp hàng chục lần trồng lúa.
Cũng ở Hội An, anh Tư Thạch tìm hướng đi riêng bằng cách chuyên canh khoai môn. Anh tính toán: "Giá khoai môn dao động khoảng 5.000đ/kg và rất dễ bán, năng suất trung bình 1.800 kg/công, được khoảng 9 triệu đồng. Mỗi năm trồng 20 công khoai môn/2 vụ, bỏ túi vài trăm triệu đồng khỏe ru, sướng hơn làm lúa". Ngoài ra, dân Hội An còn luân canh bắp non, hành… cho thu nhập cao, nhờ đó mà nhiều hộ xây nhà, mua xe… đời sống vươn lên thấy rõ.
Đưa rau màu đi... xuất ngoại!
Phó chủ tịch xã Trịnh Kim Thính khẳng định, để rau màu được giá thì nhất thiết phải có hệ thống thu mua, qua đó hình thành nên dây chuyền chặt chẽ từ "sản xuất-thu hoạch-tiêu thụ…". Xưa nay ở Hội An có truyền thống buôn bán, do đó UBND xã khuyến khích người dân làm thương lái thu mua nông sản. Bà Nguyễn Thị Út, là người đầu tiên đứng ra mua 6 xe tải, đồng thời mở bến bãi đàng hoàng để chở rau màu từ Hội An đi TPHCM và các nơi tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Thứ, thương lái lâu năm ở Hội An, cho biết: "Để tiêu thụ số lượng lớn, giá cả ổn định thì nhất thiết phải có "mối". Trước nhất, tụi tui mở đường lên Chợ Lớn, chợ Cầu Muối, rồi Hóc Môn… lập vựa và tìm bạn hàng. Khi thỏa thuận xong giá cả, là lập tức xuống ruộng mua rau màu của bà con, đưa lên TPHCM liền".
Ban đầu bà Thứ gửi rau màu bằng xe đò hoặc thuê xe… chở lên thành phố, sau bà mua được 2 chiếc xe tải trên 700 triệu đồng. Hàng ngày, bà và các con xuôi ngược khắp các cánh đồng tìm mua rau màu rồi chở lên thành phố. Anh Nguyễn Tấn Phúc (con bà Thứ) quả quyết: "Nhà có 5 công ruộng hổng có thời gian làm, suốt ngày bận bịu chuyện không kịp thở, tuy mệt nhưng có đồng vô đồng ra, sống sướng lắm".
Ở Hội An, ai cũng thán phục chuyện làm thương lái mà đổi đời của vợ chồng Bảy Nghiệp. 5 năm trước vợ chồng Bảy Nghiệp nghèo rớt mồng tơi, thấy người ta làm lái bắp, lái khoai, lái kiệu… sống khỏe ru, Bảy Nghiệp đâm ham nhưng không có tiền làm vốn. Vợ chồng vừa làm thuê vừa tích lũy. Ban đầu Bảy Nghiệp khởi sự bằng cách mua vài ký dưa leo, chút ít cà chua, đậu đũa… chở xe đạp chạy bán dọc đường. Sau mang rau màu ra chợ xã rồi lên chợ huyện. "Góp gió thành bão", lần hồi đưa rau màu sang tận chợ Long Xuyên, xuống Cần Thơ, Vĩnh Long… mối mang làm ăn ngày càng nhiều, công việc thuận lợi. Chẳng bao lâu vợ chồng Bảy Nghiệp trở thành "lái lớn" hồi nào hổng hay, mỗi ngày thu mua hàng tấn rau màu các loại cung ứng cho các đại lý khắp vùng.
Gặp chúng tôi, Bảy Nghiệp mừng ra mặt: "Xây được nhà tường, mua xe máy và nhiều tiện nghi khác cũng nhờ làm lái mà ra. Kinh nghiệm của tui là làm ăn uy tín, không cân thiếu, không gian tham nên mối mang nhiều lắm".
Hiện Hội An quy tụ trên 40 hộ làm thương lái chuyên nghiệp, làm ăn bài bản có đầu tư vốn liếng cho người trồng sau đó mua lại sản phẩm. Ngoài chuyện rau màu tiêu thụ trong nước, thời gian gần đây giới thương lái còn xuất rau màu sang Campuchia với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh An Giang nhìn nhận: "Nhờ giới thương lái mà các loại rau dưa như bắp, đậu, khoai môn, kiệu, dưa leo, hành… được xuất sang Campuchia càng ngày càng nhiều, mang lại nguồn lợi không nhỏ". Đặc biệt, từ cách làm ăn chặt chẽ đã đưa cánh đồng ở Chợ Mới đạt thu nhập bình quân từ 65-70 triệu đồng/ha, trở thành huyện giàu có bậc nhất ở ĐBSCL và cả nước.
(Nguon tin: SGGP)