Trước thực trạng hồ tiêu phát triển nóng về diện tích, dịch bệnh thường xuyên phát sinh cũng như tình trạng giá hồ tiêu có nhiều biến động, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Nông tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững”.
|
Nông dân trồng tiêu chia sẻ kinh nghiệm |
Tham dự có các chuyên gia ngành nông nghiệp và hơn 200 nông dân đến từ 7 tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn của cả nước.
Diện tích vượt quy hoạch gần 250%
Hồ tiêu đang là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ nông dân Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Hiện Việt Nam là nước SX hồ tiêu hàng đầu thế giới. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đã được XK tới 109 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng ngày càng được nâng cao và uy tín.
Cụ thể, năm 2016 nước ta XK trên 177.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 1,42 tỷ USD và chiếm 50% thị phần tiêu thụ hồ tiêu của thế giới. Những năm qua giá tiêu tăng cao đã khiến cho nông dân đổ xô mở rộng diện tích. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010 cả nước có 51.300ha hồ tiêu, năm 2014 là 85.591ha, thì đến năm 2016 đã tăng lên 124.529ha tăng 22,54% so với năm 2015, vượt quy hoạch 249,06%.
Tuy nhiên, trong sản xuất hồ tiêu ở nước ta còn nhiều bất cập. Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề lớn cần sớm giải quyết. Thứ nhất là diện tích vượt xa quy hoạch, thứ hai là canh tác chưa bền vững với nhiều tồn tại về kỹ thuật, giống…; thứ ba là một số vấn đề tồn tại liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích hồ tiêu của các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện có hơn 120.000ha, chiếm 96% tổng diện tích hồ tiêu cả nước. Trong đó tập trung chủ yếu ở 7 tỉnh, bao gồm Đắk Lắk 27.500ha, Đắk Nông 27.600ha, Gia Lai 16.400ha, Lâm Đồng 1.600ha, Đồng Nai 18.000ha, Bình Phước 5.000ha và Bà Rịa - Vũng Tàu 13.000ha.
Mặc dù, diện tích liên tục tăng nhưng do quy trình SX không đồng nhất nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, không ổn định; việc SX theo hướng GAP còn hạn chế. Cùng với đó, thời tiết diễn biến thất thường đã gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng; dịch bệnh thường xuyên xảy ra vẫn chưa có pháp phòng ngừa hiệu quả gây thiệt hại lớn.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020. Hồ tiêu tăng trưởng nóng đang kéo theo nhiều hệ lụy và hậu quả mà nông dân là đối tượng phải gánh chịu đầu tiên.
"Nhiều hộ mới trồng chưa có thu hoạch dễ phá sản, nợ nần do chi phí đầu tư cho mỗi hecta tiêu từ 350 - 500 triệu đồng, cao nhất trong các loại cây công nghiệp dài ngày. Thêm nữa, khâu chế biến sau thu hoạch sản phẩm hồ tiêu tại Đắk Nông vẫn hết sức hạn chế…", ông Tùng chia sẻ. |
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Đắk Nông, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có gần 1.800ha tiêu bị nhiễm bệnh tuyến trùng, trong đó hơn 1.200ha bị nhiễm bệnh chết nhanh. Giá tiêu cũng đang “lao dốc” với tốc độ chóng mặt và hiện được thu mua ở mức khoảng 75.000 đồng/kg, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần chú trọng SX sạch
Bên cạnh diện tích đang "bùng nổ" thì giá hồ tiêu giảm nhiệt khiến người trồng hoang mang. Đặc biệt đi cùng với sự giảm giá do nguồn cung cao, một số nước đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam, trong đó có vấn đề dư lượng thuốc BVTV.
TS Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt đề xuất, việc cần làm ngay hiện nay là các tỉnh phải rà soát lại quy hoạch; vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để người dân không trồng hồ tiêu tại các khu vực không phù hợp với thổ nhưỡng; đồng thời đẩy mạnh SX theo hướng GAP, đẩy mạnh liên kết trong mọi công đoạn, từ SX đến chế biến, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường khó tính…
Bà Nguyễn Mai Oanh, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp XK cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành nông nghiệp, cơ quan khuyến nông trung ương và địa phương, các HTX, tổ nhóm nông dân để cung cấp kiến thức và tập huấn quy trình SX hồ tiêu sạch. Các bên cùng tham gia kiểm soát quy trình SX, từ đó có thông tin rõ ràng minh bạch từ nguồn đất, nước, giống, phân bón, thuốc BVTV… sử dụng trên cơ sở đó cấp mã vùng trồng. Sản phẩm sẽ được DN chào bán ở những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng.