Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghệ nhân chè hữu cơ
10 | 10 | 2017
Vài năm trở lại đây, từ “nông sản hữu cơ” được nhiều người nhắc đến. Nhưng từ rất lâu ở xóm Khuôn II, xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) có một người đã gắn bó với việc sản xuất, truyền dạy cách làm nông sản hữu cơ

Ông là Nguyễn Văn Đoàn, người duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được nhận danh hiệu nghệ nhân làng nghề tính đến thời điểm hiện tại.  

Đi ngược lại số đông

Biết có khách đến tìm, ông Đoàn vác 2 tầm ống vòi bơm thoăn thoắt từ trên bãi chè đi nhanh như chạy về nhà. Vội lau đi những giọt mồ hôi, ông chia sẻ, làm chè vất vả lắm, nhưng biết làm sao khi nghề đã chọn mình, còn mình thì gắn bó máu thịt với nó, say mê nó.

10-53-00_2
Ông Đoàn tiên phong SX chè hữu cơ - Ảnh: Báo Nông nghiệp

Pha ấm nước chè hữu cơ được làm bởi chính bàn tay của mình tại vùng chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương, ông kể, năm 1992 ông được cha mẹ chia cho một ít diện tích đất chè. Đó chính là cơ hội để ông thực hiện ý định của mình. Để bảo vệ chè khỏi sâu bệnh hại, giúp cây phát triển nhanh, người dân quanh vùng chọn cách phổ biến là phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Nhận thấy mặt trái của việc dùng thuốc hóa học, lo chất lượng chè không đảm bảo do tồn dư thuốc BVTV, ông Đoàn đã chế tạo ra một chiếc “máy hút sâu”, được cải tiến từ máy cắt cỏ của gia đình.

Khi được hỏi rằng, “phát minh” hay như thế hẳn là người dân quanh vùng sẽ học theo, ông Đoàn chỉ tủm tỉm cười. Không những không có ai làm theo mà họ còn cười chê, cho ông là điên, dở người. Bởi lẽ để chiếc máy vận hành được với vận tốc 400 - 500 vòng/phút thì rất tốn xăng.

Dù không được ủng hộ, song ông vẫn không nản lòng. Với niềm say mê, quyết tâm thực hiện, những sản phẩm chè an toàn của ông Đoàn đã ra đời, đảm bảo các yếu tố như không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp... Tuy nhiên, sản xuất theo phương pháp hữu cơ không hề đơn giản, bởi nếu chỉ có một hộ áp dụng trong khi nhiều hộ xung quanh vẫn phun thuốc trừ sâu hóa học thì rất khó thực hiện.

Có người còn thẳng thắn chê, ông làm để ông sử dụng cho an toàn chứ làm để bán thì "lợi ít hại nhiều". Năm 2012, ông Đoàn đứng ra vận động một số bà con quanh vùng thành lập HTX Chè Núi Cốc với 13 thành viên. Từ đây, đã có thêm nhiều bà con mạnh dạn tham gia trồng chè hữu cơ dưới sự chỉ dẫn tận tình của Giám đốc HTX Nguyễn Văn Đoàn.

Trong số 16ha chè của HTX, đã có 6ha được bà con áp dụng phương pháp hữu cơ, số còn lại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Nguyễn Thị Hương, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương,cho biết: "Thời gian khi mới tham gia vào HTX, tôi thấy khá lúng túng do ban đầu, sản lượng chè hữu cơ có phần sụt giảm so với trước. Thế rồi được sự hướng dẫn tỉ mỉ của bác Đoàn, chúng tôi kiên trì tuân thủ theo đúng quy trình. Niềm vui đến khi những lứa chè sau, sản lượng tăng dần.

Đến nay, năng suất chè luôn ổn định ở mức 12 tấn chè búp khô/ha, giá bán ra cũng cao hơn nhiều so với các loại chè thông thường.

10-53-00_1
Ảnh: Báo Nông nghiệp

Bà Đào Thị Lan (thành viên HTX) cho biết, từ khi áp dụng trồng chè hữu cơ, không khí môi trường trong lành, chất lượng chè đảm bảo và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cái lớn nhất là sức khỏe của bà con được cải thiện tích cực. Hiện chè hữu cơ được HTX Núi Cốc bán ra với giá dao động từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg (tùy loại), chè VietGAP có giá 200 - 300 nghìn đồng/kg. Không chỉ phổ biến kinh nghiệm trồng trọt của mình cho các thành viên của HTX, bất cứ ai có nhu cầu học hỏi ông Đoàn đều truyền đạt rành rẽ, ngọn ngành.  

Truyền lửa

Năm 2008, đại diện cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) với dự án giúp đỡ đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã đến làm việc với ông Nguyễn Văn Đoàn. Kể từ đây, ông chính thức trở thành chuyên gia của Hiệp hội Hữu cơ quốc tế tại Việt Nam tuyên truyền về kiến thức nông nghiệp hữu cơ cho đồng bào.

Tính đến nay, trung bình mỗi năm, ông Đoàn tham gia đào tạo 7 - 8 lớp với hàng trăm lượt học viên. Không chỉ có riêng chè mà các nông sản khác như:quế, rau, măng… cũng được ông nghiên cứu và hướng dẫn trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2014 - 2016, thực hiện dự án của tổ chức SNV, hỗ trợ Việt Nam, Lào, Myanmar, ông Nguyễn Văn Đoàn đã cùng một số chuyên gia sang Sầm Nưa và Phong Sa Lì (Lào) hướng dẫn bà con ở đây cách chế biến và bảo quản măng hốp sao cho giữ măng được lâu mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng...

Vì kinh nghiệm và những đóng góp của mình, năm 2016 ông vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Dù là địa danh của thủ phủ trà Việt nhưng đến nay, ông mới là người đầu tiên và duy nhất ở Thái Nguyên được nhận danh hiệu này.



Theo Báo Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường