Bangladesh vốn là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, đã nổi lên trở thành một nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 do các đợt lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất gạo tại nước này.
“Chúng tôi sẽ mua 150.000 tấn gạo đồ từ Thái Lan với giá 465 USD/tấn và 100.000 tấn gạo khac từ PEC của Ấn Độ với giá 455 USD/tấn”, theo Badrul Hasan của Tổng cục Thực phẩm Bangladesh – cơ quan chịu trách nhiệm thu mua thực phẩm của nước này – cho biết. Giá thỏa thuận trên bao gồm cước vận chuyển, bảo hiểm và phí dỡ hàng. “Chúng tôi đã gần như chốt tất cả các thỏa thuận để đạt mục tiêu nhập khẩu”, ông Hasan cho biết thêm cơ quan thu mua ngũ cốc của Bangladesh đặt mục tiêu nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong năm tài khóa hiện tại kết thúc vào tháng 6/2018.
Các thỏa thuận mua mới nhất này của Bangladesh từ Thái Lan và Ấn Độ diễn ra sau khi chính phủ Bangladesh mua 100.000 tấn gạo trắng từ Myanmar – gác lại quan hệ ngoại giao ngày càng căng thẳng do cuộc khủng hoảng tị nạn Rohingya.
Các thỏa thuận với Thái Lan và Ấn Độ đã được chót sau vòng đàm phán thứ 2 với hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này. Bangladesh đã rút khỏi các cuộc đàm phán vòng 1 do giá chào bán từ Thái Lan và Ấn Độ quá cao. Nhu cầu nhập khẩu cao của Bangladesh đã đẩy giá gạo châu Á lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm vào tháng 6 vừa qua. Gạo là lương thực thiết yếu cho 160 triệu người dân Bangladesh và giá cao đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cho chính phủ nước này, vốn đang muốn lấy lòng người dân trước cuộc bầu cử toàn quốc vào năm tới.
Trong tháng 8, Bangladesh đã hạ thuế nhập khẩu gạo lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng. Mức thuế nhập khẩu giảm đã châm ngòi cho hoạt động mua bán sôi động của khu vực tư nhân, phần lớn là với nước láng giềng Ấn Độ. Cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cũng tổ chức hàng loạt các đợt đấu thuầ nhập khẩu gạo. Nhưng ông Hasan cho biết, từ nay, Bangladesh sẽ không tổ chức thêm đợt đấu thầu nhập khẩu nào.
Một nhóm từ Liên đoàn hợp tác marketing nông nghiệp quốc gia Ấn Độ (NAFED) sắp tới thăm Dhaka để thảo luận bán gạo cho Bangladesh, theo một nhà chức trách Bộ Thực phẩm cho hay. “Tuy vậy, chúng tôi không kỳ vọng nhiều sẽ có thêm thỏa thuận mua bán mới, trừ khi họ đưa ra mức giá rất hấp dẫn”, ông Hasan cho hay.
Bangladesh sản xuất khoảng 34 triệu tấn gạo hàng năm, nhưng tiêu dùng nội địa phần lớn lượng gạo này. Nước này thường phải nhập khẩu thêm gạo để giải quyết tình trạng thiếu hụt gây ra bởi lũ lụt hoặc hạn hán.
Theo Reuters (gappingworld.com)