Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo Ấn Độ tăng cao kỷ lục do nhu cầu cao của Bangladesh
12 | 01 | 2018
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể tăng vọt 22% trong năm 2017 lên mức cao kỷ lục 12,3 triệu tấn do nước láng giềng Bangladesh có nhu cầu tăng đột biến sau khi lũ lụt gây thiệt hại nặng nề sản xuất lúa gạo của nước này, theo các nhà chức trách ngành lúa gạo Ấn Độ cho hay.

Các nhà chức trách Ấn Độ cũng nhận định động lực tăng xuất khẩu gạo có thể sẽ kéo dài sang năm 2018 do Bangladesh và Sri Lanka đều đang tích cực giao dịch mua, trong khi kho dự trữ gạo chính phủ của Thái Lan đã cạn kiệt. “Bangladesh liên tục mua gạo trên thị trường quốc tế trong vài thagns qua, bù đắp suy yếu nhu cầu nhập khẩu từ các nước châu Phi”, theo ông M. Adishankar, giám đốc điều hành Sri Lalitha, một nhà xuất khẩu gạo hàng đầu tại bang miền nam Andhra Pradesh.

Hoạt động nhập khẩu mạnh của Bangladesh có thể đẩy xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ tăng tới 38% trong năm 2017 lên 8,4 triệu tấn và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Ấn Độ đạt 12,3 triệu tấn, vượt mức xuất khẩu cao kỷ lục 11,5 triệu tấn của năm 2014. CÁc tính toán này dựa trên số liệu xuất khẩu ước tính cho tháng 12 cộng với dữ liệu chính phủ công bố trước đó từ tháng 1 đến 11/2017. Số liệu xuất khẩu gao chính thức tháng 12/2017 dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 2/2018. Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo non-basmati sang các thị trường châu Phi và châu Á; xuất khẩu gạo basmati sang Trung Đông, Mỹ và Anh.

Vốn là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, Bangladesh nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn của thế giới trong năm 2017 sau khi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa gạo nội địa và đẩy giá gạo nội địa tăng cao kỷ lục. Bangladesh đã nhập khẩu hơn 80% từ Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu 2,4 triệu tấn, theo ông Badrul Hasan, lãnh đạo cơ quan phụ trách thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho hay. Giao dịch mua gạo trên thị trường quốc tế của quốc gia Nam Á này có thể duy trì ở mức cao cho tới khi nguồn cung tăng trở lại sau thu hoạch vụ hè vào tháng 5/2018. Sản lượng lúa gạo vụ hè chiếm hơn 50% sản lượng gạo hàng năm khoảng 35 triệu tấn của Bangladesh.

Năm 2017, Bangladesh đã giảm thuế nhập khẩu gạo 2 lần chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhập khẩu. Bangladesh cũng mua gạo từ Ấn Độ theo các hợp đồng chính phủ để tăng nhanh nguồn cung và kìm chế giá. Nhưng giá gạo vẫn duy trì ở mức cao tại Bangladesh, bất chấp mức nhập khẩu cao nhất trong gần 2 thập kỷ, sẽ khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất.

Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2018 sẽ phụ thuộc vào xuất khẩu gạo non-basmati do xuất khẩu gạo basmati chỉ dao động quanh mốc 4 triệu tấn, theo Vijay Setia, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ cho hay. “Xuất khẩu gạo non-basmati phụ thuộc vào tình hình tồn kho của các nước nhập khẩu như Bangladesh và Sri Lanka”.

Các nước châu Phi tăng mua gạo từ Thái Lan trong năm 2017, nhưng có thể giảm trong năm 2018 do kho dự trữ gạo chính phủ của Thái Lan đã cạn kiệt, càng thúc đẩy nhu cầu đối với gạo Ấn Độ, theo nhận định của một nhà giao dịch tại Mumbai. “Đối với các thị trường chính như Bangladesh và Sri Lanka, Ấn Độ có lợi thế vận chuyển hơn so với Thái Lan, và đây là một điểm mạnh cho xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2018”, theo nhà xuất khẩu tại Mumbai cho hay.

Theo Reuters (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường