Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng khai thác mực ống và bạch tuộc thấp, giá tăng cao
24 | 10 | 2017
Thị trường mực ống và bạch tuộc thế giới hiện đang trong trạng thái nguồn cung thấp, giá tăng cao. Tại Trung Quốc, nhu cầu cao và người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao, gây thiệt hại cho các thị trường châu Âu và Mỹ. Mỹ đang tăng nhập khẩu nhưng chủ yếu được chào bán các sản phẩm chất lượng thấp.

Bạch tuộc

Mùa câu bạch tuộc lớn thứ 2 của Morocco bị hoãn cho tới 15/6 tại Đại Tây Dương, trong khi hoạt động khai thác tại Địa Trung Hải bắt đầu từ ngày 1/6. Sản lượng khai thác bạch tuộc của Morocco giảm khiến giá tăng mạnh, trong khi nhu cầu lại cao. Sản lượng khai thác trong suốt mùa đông ở mức thấp và sản lượng nằm tại các kho đông lạnh cũng thấp, là các nguyên nhân đẩy giá tăng cao. Giá bạch tuộc Morocoo tăng thêm hơn 1 Euro/kg trong những tháng gần đây. Giá hiện nay đang ở mức cao kỷ lục. Giá bạch tuộc Mauritania đang ở mức tương đương giá tại Morocco. Nhu cầu, đặc biệt là tại Mỹ, ở mức cao bất thường trong những tháng gần đây. Giá cao cũng đang thu hút thêm nhiều nhà giao dịch, vốn trước đây thường không hoạt động trên thị trường thủy sản thân mềm.

Ủy ban Khai thác và Nuôi trồng Thủy sản quốc gia Mexico (CONAPESCA) tuyên bố nước này hiện là nước sản xuất bạch tuộc lớn thứ 3 thế giới. Sản lượng bạch tuộc của Mexico tăng 14.000 tấn trong giai đoạn 2013 – 2016, và giá trị sản xuất tăng từ 34,6 triệu USD lên 66 triệu USD. Năm 2016, xuất khẩu bạch tuộc của Mexico, chủ yếu sang Tây Ban Nha, Ý và Mỹ, đạt 10.800 tấn, trị giá 57 triệu USD. Ngành khai thác bạch tuộc Mexico tập trung chủ yếu vào 2 loài: bạch tuộc 4 mắt Mexico và bạch tuộc thường.

Trong quý 1/2017, nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản giảm mạnh: tổng lượng nhập khẩu giảm đến 33,6% xuống còn 8.900 tấn. Tất cả các nhà cung cấp chính cho thị trường này đều chịu chung tình trạng giảm xuất khẩu. Morocco tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 38% thị phần, theo sau là Trung Quốc (32,6%) và Việt Nam (14,6%).

Diễn biến này xác nhận khuynh hướng trong 3 năm qua. Năm 2015, nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản trong quý 1 đạt 15.000 tấn, giảm xuống còn 13.400 tấn trong quý 1/2016 (-10,7%) và năm 2017 giảm xuống còn 8.900 tấn (-33,6%).

Ngược lại, tại Tây Ban Nha, nhập khẩu bạch tuộc tăng 11% trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016, với tổng lượng nhập khẩu đạt 18.000 tấn. Nhập khẩu của Tây Ban Nha tiếp tục khuynh hướng chậm lại nhưng tăng trưởng ổn định trong nhập khẩu bạch tuộc. Morocco tiếp tục là nước cung cấp bạch tuộc lớn nhất cho thị trường này, theo sau là Mauritania.

Mực ống

Hội đồng Khai thác Liên bang Argentina gần đây thông báo hoạt động khai thác mực ống tại khu vực phía Bắc vĩ độ 44°S sẽ đóng từ 19/6 cho tới khi có thông báo thêm. Nguyên nhân cho lệnh đóng cửa khai thác này là do các đợt khai thác đều báo cáo mực chủ yếu còn nhỏ, chưa trưởng thành. Hơn nữa, ghi nhận sản lượng cập cảng cho thấy sản lượng mực ống Illex giảm trong vài tháng qua: trong tháng 2/2017, sản lượng cập cảng đạt 24.000 tấn, tháng 3 là 39.263 tấn, tháng 4 là 15.900 tấn, tháng 5 chỉ 6.500 tấn. Tình hình khai thác ở khu vực đặc quyền kinh tế của Argentina cũng diễn biến tương tự. Cho tới ngày 5/6, tổng sản lượng mực ống cập cảng là 96.200 tấn, tăng gấp đôi sản lượng cùng kỳ năm 2016.

Năm 2016, Mỹ nhập khẩu mực ống Illex chế biến từ Trung Quốc tăng hơn 11%, lên 38.000 tấn. Đồng thời, giá cũng tăng mạnh (28%). Nhập khẩu mực ống Loligo chế biến tăng lên 14.000 tấn trong năm 2016. Tuy nhiên, chất lượng mực ống nhập khẩu không tốt, theo nhận định của một số nhà nhập khẩu. Các nhà giao dịch cho rằng mực ống chất lượng tốt được tiêu dùng chủ yếu trên thị trường nội địa Trung Quốc, trong khi mực ống chất lượng thấp hơn thì xuất sang các thị trường phương Tây, vốn không thể trả giá cao như trên thị trường nội địa Trung Quốc. Năm 2016, 68% mực ống Loligo nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc, trong khi chỉ 1% đến từ Đài Loan, 13,5% đến từ Thái Lan và 15,3% đến từ Ấn Độ.

Tình hình trên phản ánh suy giảm sản lượng mực ống cập cảng từ tháng 4 trở đi, khiến giá tăng vọt, nhưng trong tháng 6, nhiều báo cáo cho thấy giá mực ống đang bình ổn trở lại. Giá đặc biệt tăng cao trên thị trường Trung Quốc. Trong khi giá đang dần ổn định thì thị trường lại dấy lên lo lắng về nguồn cung. Nhu cầu cao nhưng nguồn cung khan hiếm. Nhập khẩu vào Trung Quốc tăng trong những tháng vừa qua nhưng vẫn không đủ để thỏa mãn nhu cầu.

Trong quý 1/2017, nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản tăng mạnh, từ chỉ 6.200 tấn trong quý 1/2016 lên 34.300 tấn tỏng quý 1/2017, chủ yếu do mức tăng xuất khẩu ấn tượng của Trung Quốc sang thị trường Nhật Bản, từ 2.600 tấn lên 20.400 tấn trong cùng kỳ so sánh. Các nhà cung cấp khác cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Hàn Quốc trong quý 1/2017 đạt 24.800 tấn, tawg từ 16.300 tấn trong cùng kỳ năm 2016, tương đương tăng 52,1%. Các nguồn cung cấp chính là Peru, Trung Quốc và Chile. Xuất khẩu mực ống và mực nang của Peru sang Hàn Quốc tăng 16,4%, trong khi Trung Quốc và Chile tăng lần lượt 124% và 36,8% xuất khẩu sang Hàn Quốc,.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Tây Ban Nha trong quý 1/2017 tăng mạnh, từ 28.800 tấn trong quý 1/2016 lên 56300 tấn trong quý 1/2017, tương đương tăng 95,5%. Peru là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này, chiếm 12.000 tấn (21,3%). Các nhà cung cấp lớn khác là Trung Quốc (9.100 tấn), Ấn Độ (9.100 tấn) và Morocco (8.900 tấn).

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Mỹ ổn định ở 17.400 tấn trong quý 1/2017 so với 17.300 tấn trong cùng kỳ năm 2016. Nhà cung cấp chính là Trung Quốc, chiếm 57,5% (10.000 tấn). Mỹ cũng là nước xuất khẩu mực ống quan trọng và trong quý 1/2017, nước này xuất khẩu gần 10.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Globefish (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường