Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng đường Hồ Chí Minh gắn liền với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản
21 | 07 | 2007
Đó là một trong những mục tiêu phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, vừa được Bộ Công nghiệp phê duyệt theo Quyết định 11/2007/QĐ-BCN (ngày 14/2/2007).

Theo Quyết định trên, phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh bao gồm 116 huyện, thành phố, thị xã với tổng diện tích hơn 73 nghìn km2, 13,07 triệu người của 29 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất điện, vật liệu xây dựng và khai khoáng; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp; đồng thời tăng dần lực lượng lao động công nghiệp trên địa bàn 116 huyện đến năm 2010 là 1.300-1.400 ngàn người (tăng 350-450 ngàn người so với năm 2004), đến năm 2020 là 2.600-2.700 ngàn người (tăng 1.300-1.400 ngàn người so với năm 2004), góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp của 29 tỉnh trong giai đoạn 2006-2010 là 270-280 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2011-2020 là 1.300-1.400 nghìn tỷ đồng. Tính riêng cho 116 huyện dọc tuyến đường là 100-110 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2006-2010 và 500-600 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2011-2010. Các ngành nghề, lĩnh vực được khuyến khích phát triển bao gồm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản sử dụng nguyên liệu tại chỗ; công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Quy hoạch nêu rõ, trong giai đoạn 2006-2010 xây dựng mới 30 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 6 nghìn ha, vốn đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng và 59 cụm công nghiệp với hơn 1 nghìn ha, vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục hoàn thiện các khu công nghiệp ở giai đoạn trước và quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 820 ha và 31 cụm công nghiệp với hơn 1 nghìn ha. Tổng vốn đầu tư cho hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới hơn 700 tỷ đồng.

Huy động tối đa mọi nguồn vốn trên địa bàn tỉnh dọc tuyến và các tỉnh lân cận cho đầu tư phát triển là một trong những giải pháp quan trọng của Quy hoạch. Đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn, Nhà nước thông qua Ngân hàng Đầu tư Phát triển cho các nhà đầu tư vay tối đa theo tổng mức đầu tư được duyệt hoặc thực hiện bù lãi suất không phân biệt thành phần kinh tế đối với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn ở vùng đặc biệt khó khăn; các dự án đầu tư sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, chế biến nông lâm thuỷ sản dọc tuyến; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ đăng ký, tập huấn đổi mới quản lý theo tiêu chuẩn ISO nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới. Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn đặc biệt khó khăn theo học trong các trường đào tạo.



(Nguồn: Chính phủ)
Báo cáo phân tích thị trường